Từ đầu tháng 12 đến nay, tại khu vực nuôi trồng thủy sản ở Hòn Lăng, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xảy ra hiện tượng cá bỏ ăn, trầy da, đục mắt rồi chết dần. Nhiều hộ nuôi có tỷ lệ cá chết 30%.

Cá bỏ ăn, trầy da rồi chết dần

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, ngày 8-12, nhận được phản ánh hiện tượng cá chết tại khu vực nuôi trồng thủy sản ở Hòn Lăng, chi cục đã phân công cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa kết hợp với Trạm Thủy sản, cán bộ thú y xã Ninh Ích tiến hành kiểm tra thực địa, thu thập thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, đồng thời lấy mẫu cá để xác định nguyên nhân.



Nuôi trồng thủy sản ở khu vực Hòn Lăng, xã Ninh Ích. Ảnh: Kim Sơ

Nuôi trồng thủy sản ở khu vực Hòn Lăng, xã Ninh Ích. Ảnh: Kim Sơ



Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, tình trạng cá chết xuất hiện từ đầu tháng 12. Cụ thể, tại bè nuôi của ông Nguyễn Văn Tuấn, vụ nuôi này ông thả 5.000 con giống cá bớp và cá chim trong 50 ô lồng. Cá chim đã nuôi được 4 – 5 tháng, cá bớp nuôi được 3 – 5 tháng. Ngày 6-12, hiện tượng cá chết bắt đầu xuất hiện rải rác. Đến ngày 8-12, tỷ lệ cá chết 30 – 40%. Tại bè nuôi của ông Nguyễn Ngỡ cũng xảy ra tình trạng cá trầy da, bỏ ăn rồi chết dần. Vụ nuôi này, ông Ngỡ thả nuôi 2.000 con giống trong 16 ô lồng; tỷ lệ cá chết khoảng 25 – 30%.


Cũng tại thời điểm ngày 8-12, 30% trong số 3.000 con cá bớp 2 – 3 tháng tuổi của hộ ông Phạm Văn Trí bị chết sau khi có các biểu hiện bỏ ăn, đục mắt, hỏng mắt, lở loét, xuất huyết vùng đầu, vây, gốc vây, bụng. Thiệt hại nặng nề nhất là hộ ông Nguyễn Duy Quang. Vụ nuôi này ông Quang thả 100.000 con cá bớp, đến ngày 8-12, đã có 30.000 con cá bớp chết, chủ yếu là cá từ 1 – 6 tháng nuôi. Người nuôi tại khu vực cho biết, trước thời điểm cá chết 4 – 5 ngày có nước bạc do mưa lũ. Thời điểm này, thời tiết trở lạnh, có gió đông bắc, sáng sớm có sương muối, cá có hiện tượng giảm ăn và chết rải rác.

Môi trường chưa đảm bảo


Kết quả test nhanh một số yếu tố môi trường tại vùng nuôi của cơ quan chuyên môn vào ngày 8-12 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam. Riêng chỉ tiêu DO (lượng oxy hòa tan trong nước) chỉ đạt 4,5 trong lồng nuôi, thấp hơn so với quy định (DO = 5).


Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa đã thu 1 mẫu cá chim, 1 mẫu cá bớp để xét nghiệm. Căn cứ kết quả xét nghiệm kết hợp với thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định mẫu cá chim và cá bớp bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp dẫn đến hiện tượng trầy da, lở loét, giảm sức đề kháng, bỏ ăn. Bên cạnh đó, hiện tượng thay đổi đột ngột của môi trường vùng nuôi (xâm nhập ngọt và thời tiết lạnh) có thể là những nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết nhiều tại khu vực nuôi này.


Theo cơ quan chuyên môn, Streptococcus sp là loại liên cầu khuẩn. Bệnh gặp ở tất cả các giai đoạn cá nuôi, tỷ lệ chết lên tới 60 – 100%. Cá bị bệnh thường bỏ ăn nên khó đưa thuốc điều trị vào cơ thể. Bệnh thường xảy ra khi nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, giống, thức ăn mang sẵn mầm bệnh nhưng chưa được xử lý; hoặc nguồn nước kém chất lượng khi bị ô nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn, vi rút, pl hàm lượng chất hữu cơ cao, khí độc tích tụ. Ngoài ra, cá được nuôi với mật độ cao cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh cho cá, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội xâm nhập.


Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa tiếp tục theo dõi sát tình hình vùng nuôi; hướng dẫn người nuôi cá trong vùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi cần chọn mua giống cá tại các cơ sở có uy tín về chất lượng, đã được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh hoại tử thần kinh và Streptococcus trước khi thả nuôi…


Được biết, vùng nuôi Hòn Lăng có khoảng 30 hộ nuôi cá lồng bè với tổng số 500 ô lồng (chủ yếu kích cỡ lồng 4 x 4 x 4m). Người dân nơi đây chủ yếu nuôi cá bớp, cá chim, cá chẽm và cá bè các loại. Vào tháng 7-2020, cũng tại khu vực nuôi lồng bè ở Hòn Lăng, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho các hộ nuôi trồng thủy sản nơi đây. Người nuôi cho biết, do mưa quá lớn, nước ngọt xâm nhập, khu vực nuôi bị thiếu oxy cục bộ, dẫn đến cá chết hàng loạt. Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, kết quả xét nghiệm và thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, cá bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp cùng với hiện tượng thay đổi đột ngột của môi trường vùng nuôi là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.


Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202012/ninh-ich-ca-chet-do-moi-truong-nuoi-8198465/