Những ngày này, người trồng keo ở Khánh Vĩnh rất phấn khởi vì giá keo tăng, thúc đẩy việc khai thác keo bán cho nhà máy. Những cánh rừng trồng thấp thoáng bóng xe công nông chở keo đầy ắp, tiếng máy cưa xoèn xoẹt, tiếng người nói vang vang…

Giá keo tăng

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Ông Cao Văn Liêm (thôn Cà Hon, xã Khánh Bình) hồ hởi khoe với chúng tôi chiếc xe công nông mới mua nhờ bán hơn 20ha keo được giá nên thu về tiền tỷ. “Từ đầu năm đến nay, giá keo tăng liên tục, hiện giờ đạt 1,4 triệu đồng/tấn đối với keo đủ 5 năm tuổi (những năm trước từ 1 đến 1,1 triệu đồng/tấn). Với giá này, 1ha lãi ròng hơn 100 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với những năm trước. Nhờ vậy, tôi mới sắm thêm phương tiện để phục vụ vận chuyển, khai thác keo cho gia đình và người dân trong thôn. Hiện nay, tôi mua được 1 máy kéo, 2 xe công nông, tổng trọng tải 33 tấn”, ông Liêm chia sẻ. Không chỉ vậy, ông Liêm còn thành lập được đội khai thác keo gồm những lao động địa phương; đăng ký với nhà máy thu mua keo với cam kết hàng tháng không dưới 400 tấn.



Nhờ giá keo tăng ông Liêm mua thêm phương tiện.

Nhờ giá keo tăng ông Liêm mua thêm phương tiện.



Bước qua cánh cổng đồ sộ, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà bề thế, xây cách đây chưa lâu của bà Vũ Thị Hoa (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình). Bà Hoa và con gái đang nhặt rau trước thềm, chuẩn bị cho bữa trưa. Bà Hoa kể, vợ chồng bà từ Hà Tây (hiện nay thuộc Hà Nội) dắt díu con cái vào nam lập nghiệp từ năm 1999. Để có được như ngày hôm nay, vợ chồng bà không ngại làm bất cứ việc gì, từ thợ xây đến bán phế liệu, thu mua hàng nông sản… Từ đó, vợ chồng bà dành dụm, tích lũy mua được nhiều đất nương rẫy, trồng các loại cây nông, lâm nghiệp trong đó 50-70ha keo. “Chúng tôi khá lên được là nhờ trồng cây mì, cây mía. Nhưng hiện nay, chủ lực vẫn là trồng keo. Tuy keo mất 4-5 năm mới khai thác nhưng đầu tư vốn ít, chăm sóc nhàn, lại cho doanh thu ổn định. Một năm, nguồn thu từ keo và các nông sản khác lên tới vài tỷ đồng”, bà Hoa nói.

Người dân có thêm việc làm


Tiếng máy cưa vang lên trên ngọn đồi xen lẫn tiếng nói của những người thợ keo đang cần mẫn làm việc. Ông Cao Văn Tượng – đội trưởng đội khai thác keo cho biết, đội có 15 người đều là những lao động tại địa phương do ông Cao Văn Liêm thành lập. “Đội có 2 nhóm, nhóm nam làm những công việc nặng như cưa cây, tỉa nhánh, dồn đống, vận chuyển ra xe; nhóm nữ phụ trách lột vỏ. Bình quân mỗi ngày, lao động nam kiếm được 350.000 đồng, lao động nữ 250.000 đồng. Từ đầu năm đến nay, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có công việc là nhờ giá keo tăng nên việc khai thác liên tục”, ông Tượng chia sẻ. Vừa chăm chú lột vỏ keo, bà Cao Thị Lan (xã Khánh Thành) vừa bộc bạch, mỗi ngày, bà dậy sớm, chạy xe non chục cây số, 7 giờ đã có mặt cùng đội làm việc. Tuy vất vả nhưng có việc làm nên mừng lắm! Họ được khoán lột vỏ 7-8 ngàn đồng/cây, bình quân mỗi ngày thu nhập 200.000- 250.000 đồng/người….

 

Trên con đường nối 2 xã Khánh Bình – Khánh Trung, nhiều đống keo được khai thác từ trong rừng đưa ra đổ đống ven đường chờ lột vỏ, chở đi nhà máy. Một vài thợ keo đang chăm chú lột vỏ, nói cười râm ran. Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Khánh Trung) cho biết mình là thợ cưa chính của nhóm. Công việc của ông hàng ngày là cưa keo ở khu vực được giao. Ông làm công việc này đã 20 năm. Công việc cho thu nhập ổn định, bình quân 7-8 triệu đồng/tháng, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Sẽ đề xuất hỗ trợ


Tại nhà máy dăm gỗ Đại Hưng đặt tại thôn Bến Khế, nhiều xe tải chở keo nguyên liệu vào ra rộn ràng. Dây chuyền sản xuất dăm gỗ hoạt động đều đặn, ván dăm tuôn ào ào… Ông Cao Văn Liễu – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng cho hay, công ty chế biến thô thành ván dăm, rồi bán cho những đơn vị có đơn đặt hàng, xuất khẩu đi nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng hơn những năm trước ít nhất 25-30% nên thu hút người trồng keo khai thác bán cho nhà máy. Mỗi ngày, đơn vị thu mua 500-600 tấn từ địa bàn Khánh Vĩnh và các khu vực lân cận.


Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Khánh Đông phấn khởi cho biết, nhờ giá keo tăng cao so với những năm trước nên nhiều người, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có điều kiện xây lại nhà. Tuy kinh phí từ nhiều nguồn, nhưng chủ lực vẫn là cây keo.


Được biết, huyện Khánh Vĩnh đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 38, ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nông Khánh Sơn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, mức hỗ trợ chỉ có 5 triệu đồng/ha, rất thấp so với công đầu tư 1ha rừng hiện nay nên chưa thu hút người dân đầu tư trồng rừng. Dự kiến, huyện sẽ đề xuất nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021 – 2025, với tổng diện tích hỗ trợ khoảng 250ha…


Vĩnh Lạc

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202209/niem-vui-nguoi-trong-keo-8263238/