Thành lập được 10 tổ chống lao; tăng tỷ lệ dự phòng lao trẻ em; gần 97% bệnh nhân (BN) lao được điều trị khỏi, tỷ lệ BN bỏ điều trị chiếm 0,07% – thấp nhất trong 20 năm qua… là những thành quả mà chương trình chống lao của tỉnh đã đạt được đến thời điểm này.
Ứng dụng phác đồ điều trị mới
Hơn 5 tháng tham gia điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ mới, sức khỏe của BN Trần Văn D. (50 tuổi, phường Vĩnh Hòa, TP. Trang) có nhiều chuyển biến tốt. Theo BN D., ông mắc bệnh lao đã 5 năm. Do công việc thường đi xa nên ông đã 2 lần bỏ điều trị giữa chừng. Khi bệnh chuyển nặng, nhập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông D. mới biết bị mắc lao kháng thuốc. Ông được bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc mới. Theo phác đồ cũ, ông phải điều trị tới 20 tháng, với phác đồ mới chỉ còn 9 tháng, giúp ông phục hồi nhanh sức khỏe, vừa hạn chế lây bệnh cho cộng đồng.
Bà Hoàng Trần L. (47 tuổi, TP. Cam Ranh) mắc bệnh lao đã 7 năm, do điều trị bệnh không đều đặn nên bà chuyển sang mắc lao kháng thuốc. Nhập viện năm 2018, bà L. được bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ mới. Nhờ tuân thủ nghiêm chỉ định, sau 9 tháng điều trị theo liệu trình, kết quả xét nghiệm cho thấy bà L. khỏi bệnh hoàn toàn.
Được biết, năm 2014, tỉnh triển khai điều trị lao kháng thuốc với phác đồ điều trị 20 tháng, tỷ lệ điều trị khỏi đạt gần 84%. Đầu năm 2018, dưới sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, tỉnh được hỗ trợ thêm phác đồ điều trị mới với thời gian rút ngắn còn 9 tháng, nguồn thuốc được nhập từ châu Âu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Tổng trị giá cho liệu trình điều trị khoảng 600 triệu đồng, người bệnh được hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn. Sau khi được hỗ trợ và tiến hành khám sàng lọc, toàn tỉnh có 20 bệnh nhân được chỉ định điều trị theo phác đồ mới. Kết quả, có 13 BN đã điều trị đủ liệu trình và khỏi bệnh hoàn toàn (đạt tỷ lệ điều trị khỏi 100%), 7 BN còn lại đang trong liệu trình điều trị. Kết quả trên không chỉ mang lại niềm vui cho nhiều BN lao kháng thuốc, mà còn của cả cộng đồng. Đây cũng là điểm nổi bật trong chương trình chống lao ở tỉnh năm qua.
Bác sĩ Hồ Tá Phương – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “So với bệnh lao thông thường, lao kháng thuốc rất khó điều trị, chi phí điều trị rất cao, nếu không được quản lý tốt nó sẽ lây lan cho 10 đến 20 BN khác trong cộng đồng. Do đó, việc áp dụng phác đồ điều trị mới giúp BN khỏi sớm, giảm được nguồn lây cho cộng đồng”.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bên cạnh thành công trên, năm 2018, chương trình chống lao của tỉnh còn đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã thực hiện khám cho hơn 86.860 lượt người (đạt 130,6%), qua đó phát hiện hơn 1.560 BN lao; có hơn 1.400 BN lao được điều trị khỏi (đạt gần 97%, vượt 12% so với yêu cầu của Chương trình chống lao quốc gia); tỷ lệ bỏ điều trị là 0,07% (giảm 82,5% so với cùng kỳ, thấp nhất trong vòng 20 năm qua). Ngoài ra, chương trình chống lao ở tỉnh đã điều trị cho 21 BN lao nhiễm HIV, 38 trẻ mắc bệnh lao và điều trị dự phòng cho 264 trẻ có nguy cơ cao (tăng gần 60% so với cùng kỳ)… qua đó góp phần chủ động hạn chế nguồn lây trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Hồ Tá Phương, đạt được kết quả trên là do chương trình chống lao của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh 9 tổ chống lao được thành lập ở các huyện, thị xã, thành phố và Trại giam A2, năm 2018, đã thành lập thêm tổ chống lao tại Bệnh viện Quân y 87. Hoạt động khám sàng lọc tại cộng đồng được triển khai tốt, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, năm qua, dưới sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chủ động khám sàng lọc cho 220 người ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, phát hiện 5 trường hợp mắc lao; tại Trại giam A2 phát hiện 26 trường hợp.
Cùng với đó, toàn bộ mạng lưới phòng, chống lao ở các địa phương đã cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ điều trị cho 100% BN lao. Ngoài ra, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Cụ thể, kỹ thuật thở máy không xâm nhập dưới 8 giờ; xét nghiệm nhanh và chính xác các thể lao ngoài phổi khó chẩn đoán; nuôi cấy tế bào lao trong môi trường lỏng; tìm vi khuẩn lao bằng kỹ thuật XpertMTB/RIF, chọc dịch màng phổi dưới hướng dẫn siêu âm, kỹ thuật CRP (phản ứng viêm)… Qua đó, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, phát hiện và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Từ nay đến cuối năm, chương trình chống lao của tỉnh phấn đấu giữ vững những kết quả đạt được; đồng thời tiếp tục tăng cường kỹ năng phát hiện, chẩn đoán, quản lý và giám sát các nguồn bệnh lao ở cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý lao đa kháng thuốc; chủ động thực hiện công tác phát hiện lao ở trẻ em…
C.Đan
Theo: Báo Khánh Hòa