TP. Nha Trang đề ra nhiều giải pháp để phấn đấu đến năm 2020, hệ thống nước thải của 95% nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh và 60% hộ dân được đấu nối vào hệ thống thoát nước thuộc phạm vi xử lý của Nhà máy xử lý nước thải phía nam. 

Tỷ lệ đấu nối thấp

Dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 11-2014, trong đó có hợp phần thu gom và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước thải được dự án đầu tư đã thu gom nước thải khu vực trung tâm và phía nam thành phố thoát ra tuyến cống chính nằm trên đường số 4, tiếp tục tự chảy về trạm bơm chính ở cầu Bình Tân, được bơm chuyển về Nhà máy xử lý nước thải phía nam (xã Phước Đồng). Nhà máy có công suất thiết kế 40.000m3/ngày đêm, nước thải sau khi xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn để thải ra môi trường theo quy định. Hiện tại, công suất xử lý nước thải đạt 24.000m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ đấu nối nước thải còn thấp. Vì vậy, để nhà máy vận hành đủ công suất thiết kế, đảm bảo hiệu quả đầu tư, thành phố cần đẩy mạnh các giải pháp để tăng tỷ lệ đấu nối nước thải.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, đã có 310/554 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đấu nối vào hệ thống thoát nước của thành phố, đạt 55,96%. Tuy nhiên, tỷ lệ đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ dân còn đạt thấp. Chỉ có 246/713 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đấu nối, đạt 34,5% và 676/23.380 hộ dân trên địa bàn thực hiện đấu nối, đạt 2,89%. Nguyên nhân do chi phí thực hiện đấu nối cao, trong khi ngân sách còn khó khăn, chưa có sự hỗ trợ nên phần lớn người dân chưa thực hiện đấu nối. Thực tế, các hầm tự hoại thường đặt sau nhà dân, khi muốn thực hiện đấu nối nước thải phải tiến hành cải tạo hầm tự hoại từ sau ra trước, chi phí khoảng 16 đến 20 triệu đồng/hộ. 

Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải phía nam. Ảnh: Quang Viên
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải phía nam. Ảnh: Quang Viên

Đề ra nhiều giải pháp

Kế hoạch của UBND TP. Nha Trang thực hiện Nghị quyết số 01 của Đại hội Đảng bộ TP. Nha Trang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 về chỉ tiêu đấu nối nước thải đã đề ra nhiều giải pháp để đến năm 2020, phấn đấu 95% nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh và 60% hộ dân được đấu nối vào hệ thống thoát nước thuộc phạm vi xử lý của Nhà máy xử lý nước thải phía nam. 

Dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang đã đầu tư tuyến cống cấp 3 trên 67 tuyến đường (tổng chiều dài 35,5km) và 25 tuyến hẻm (tổng chiều dài gần 2,8km) với 5.200 hố ga đấu nối thuộc 11 phường. Trong phạm vi 67 tuyến đường và 25 tuyến hẻm có 363 trụ sở, văn phòng; 570 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 7.184 hộ gia đình thoát nước (tổng số 8.117). Trong phạm vi xử lý của Nhà máy nước thải phía nam phục vụ cho 14 phường có 238 tuyến đường và 608 hẻm, số trường hợp thoát nước trong khu vực được kiểm đếm có 538 cơ quan, đơn vị; 729 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 26.402 hộ gia đình thoát nước (tổng số 27.669). 

Theo đó, về cơ sở hạ tầng, sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cống cấp 3 để đảm bảo phủ kín hệ thống cống cấp 3 trong phạm vi xử lý của Nhà máy xử lý nước thải phía nam với 183 tuyến đường và 583 tuyến hẻm; đồng thời, cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước cũ. Về xây dựng thể chế tăng cường quản lý, sẽ đề xuất ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và xử lý trên các lĩnh vực: bổ sung quy định về đấu nối nước thải trong hồ sơ cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng mới nhà ở và công trình; yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra đấu nối, kiểm tra trật tự xây dựng và xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp sửa chữa, xây dựng mới nhà ở và công trình không thực hiện đấu nối; xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn không thực hiện đấu nối vi phạm cam kết về môi trường. 

Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư khi triển khai những dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các công trình đường giao thông phải đầu tư tuyến cống cấp 3 thu gom nước thải và hố ga ngăn mùi đồng bộ với hệ thống hiện có, để thuận tiện trong quá trình vận hành và sửa chữa thay thế. Về cơ chế hỗ trợ cho người dân đấu nối nước thải, ngày 9-1-2017, UBND tỉnh đã có công văn tăng hạn mức vay tối đa 16 triệu đồng/hộ khi người dân có nhu cầu vay vốn để thực hiện đấu nối nước thải. Ngoài ra, thành phố cũng đề ra giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và vận động người dân tham gia đấu nối nước thải. 

Theo ông Lê Huy Toàn – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, lĩnh vực dịch vụ – du lịch hiện nay phát triển quá nóng, kéo theo áp lực rất lớn về vấn đề môi trường. Vì thế, việc triển khai thực hiện chỉ tiêu đấu nối nước thải có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đấu nối nước thải tương đối tốt nhưng tỷ lệ đấu nối của các nhà hàng, cơ sở sản xuất chưa cao, các hộ gia đình rất thấp. Vì thế, để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra rất khó khăn. UBND thành phố đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị khi cấp phép xây dựng ghi rõ trong hồ sơ phải đấu nối nước thải; khi công trình, nhà ở gần hoàn thành phải kiểm tra, nếu chưa đấu nối phải lập biên bản xử phạt và yêu cầu đấu nối. 

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các địa phương khi xây dựng các tuyến hẻm, hệ thống thoát nước phải tích hợp hệ thống cống cấp 3 và hố ga để thuận tiện cho việc đấu nối nước thải. Việc triển khai cho vay vốn để thực hiện đấu nối nước thải chỉ được vài hộ nên UBND thành phố giao cho các phòng, ban liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, tham mưu để đẩy mạnh việc cho vay vốn đối với hộ dân. 

N.D 

Theo: Báo Khánh Hòa