Trang chủ Thời sự Nhiều cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

Nhiều cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

0



Trong chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

11 chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo nghị quyết này gồm 10 điều được xây dựng trên quan điểm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn. Trong đó, gồm thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể: Dự thảo Nghị quyết có 4 chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; 2 chính sách về quản lý đất đai; 1 về tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; 2 chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản; 1 chính sách về quản lý quy hoạch với việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Nhiều cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa - Ảnh 1.

Khu vực phía Bắc Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đang được điều chỉnh quy hoạch để trở thành cực thu hút đầu tư trong tương lai

Đặc biệt nhất là chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trong Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 5 cơ chế chính sách riêng cho KKT Vân Phong như: Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư; điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược; nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế; phân cấp cho Ban Quản lý KKT Vân Phong phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong KKT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa theo đúng quy định pháp luật; UBND tỉnh Khánh Hòa được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt…

Trách nhiệm nhà đầu tư chiến lược phải rõ ràng

Thẩm tra về nội dung này, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Bà Mai cũng đồng ý với các cơ chế chính sách đặc thù về quản lý tài chính ngân sách; phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Tuy nhiên, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà Mai đề nghị tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng…

Thảo luận về dự thảo nghị quyết nói trên, ông Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đề nghị: “Trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược cần quy định rõ ràng hơn. Cần tăng trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược nếu triển khai dự án không bảo đảm cam kết, các nội dung quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, trong dự thảo nghị quyết quy định về chế tài xử lý đối với nhà đầu tư chiến lược không rõ ràng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Do vậy nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu”.

Bà Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cũng nhất trí với việc cần thiết ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội này đề nghị cần làm rõ quy mô và sự cần thiết của từng chính sách. “Đi đôi với việc giao thẩm quyền thì cần có những quy định đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương. Đồng thời, giao làm sao để phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, phải bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách và đề cao trách nhiệm bảo đảm tính chặt chẽ, tránh để xảy ra những sai phạm có liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân và uy tín chính quyền” – bà Lan nói.

Ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (khu vực phía Bắc KKT Vân Phong), cho biết huyện rất mong có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ công trình thiết yếu, các trục giao thông, hạ tầng cảng biển…, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân địa phương, phát triển nguồn nhân lực, y tế, văn hóa địa phương. 

Cần cơ chế đặc thù để đột phá

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa – cho rằng việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế – xã hội; góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nhiều cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa - Ảnh 3.
Nhiều cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa - Ảnh 4.







Bài và ảnh: KỲ NAM



Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-co-che-dac-thu-cho-khanh-hoa-20220525204530835.htm