Chiều 30-10, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại TP. Nha Trang, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thành phố kiên quyết di dời người dân khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm trước 16 giờ, không để người dân ở lại giữ nhà, tài sản; kiên quyết di dời lao động trên lồng bè vào đất liền an toàn. Bên cạnh đó, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 theo phương án” 4 tại chỗ”; bố trí lực lượng chốt chặn ở các ngầm tràn, khu vực trũng thấp không để người dân qua lại khi có mưa bão; chú ý làm tốt công tác hiệp đồng các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Đến chiều 30-10, đã có 1.227 tàu thuyền neo đậu tại bến an toàn; 57 tàu cá/407 lao động đang hoạt động trên các vùng biển: Trường Sa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa đã được nhận thông tin bão để về nơi tránh trú; 464 phương tiện du lịch đã neo đậu, trú bão tại khu vực cảng Hòn Rớ an toàn; có 218 bè/5.142 ô lồng với 808 lao động các bè nuôi trồng thủy sản và bè dịch vụ đã di dời vào nơi an toàn tại Bãi Tranh và Bãi Sạn. Theo phương án Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của TP. Nha Trang, toàn thành phố có 88 điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở với 3.707 hộ/15.406 nhân khẩu. Đến cuối ngày, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã di dời 669 hộ/2.492 người, tập trung vào các khu vực xung yếu đã bị sạt lở đất năm 2018.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân ở các khu vực xung yếu có ý thức và chủ động di dời. Trong buổi sáng 30-10, tại xóm Núi, (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng), nơi từng xảy ra sạt lở làm nhiều người chết và sập nhiều nhà năm 2018 nên ngay khi nghe thông tin báo bão, người dân đã lo đi mua cát, dây về chằng chống nhà cửa, chặn nước ngập vào nhà và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền, di dời tài sản, tập trung sơ tán về nhà văn hoá hoặc ở tạm nhà người bà con. Sau khi lo xong nhà mình, ông Dương Quốc Cường còn giúp nhà hàng xóm neo người chặn các bao cát trên mái tôn xong xuôi chuẩn bị di dời. Những nhà trên cao, sát khu vực sạt lở năm trước đã khóa cửa sơ tán từ sớm. Gia đình bà Hồ Thị Anh Thư đã lo thu dọn nhà cửa từ hôm trước nên đến trưa 30-10 chỉ gỡ nốt ti vi rồi sơ tán đến nhà người quen.
Trưa cùng ngày, tại khu vực tổ 2 Trường Sơn (phường Vĩnh Trường) cũng là khu vực bị sạt lở làm chết người năm 2018, chúng tôi gặp nhiều bà con xuống núi di dời đến Trường THCS Trần Hưng Đạo. Nhiều bà con cho biết, sơ tán đến đây rất yên tâm vì được chính quyền cung cấp suất cơm, nước uống miễn phí; chỗ ăn ở sạch sẽ. Ông Đoàn Xuân Phương – tổ trưởng tổ 2 Trường Sơn, Vĩnh Trường cho biết, tổ có 88 hộ phải di dời, trong đó, có 50 hộ/168 khẩu di dời xuống trường THCS Trần Hưng Đạo, số còn lại ở nhà người thân. Địa phương bố trí lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân ở địa điểm di dời; đồng thời, chốt chặn để tránh trường hợp bà con quay trở lại nhà”.
Theo: Báo Khánh Hòa