Mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay rất thấp. Nguy cơ về một đợt hạn hán, thiếu nước đang hiện hữu.
Hồ chứa không còn nhiều nước
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 19 hồ chứa với dung tích gần 250 triệu m3, tuy nhiên, đến ngày 31-7 chỉ còn chưa đầy 76 triệu m3 (chưa được 30% dung tích). Con số này so với năm “đại hạn” 2016 là tương đương. Một số hồ có dung tích lớn, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, lượng nước thậm chí còn thấp hơn năm 2016. Cụ thể, so với tháng 8-2016, hồ Suối Dầu hiện nay chỉ còn 11,13 triệu m3 , giảm gần 5 triệu m3 ; hồ Cam Ranh còn chưa đầy 5,8 triệu m3, giảm gần 1 triệu m3.
Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nhiều người đặt câu hỏi vì sao cuối năm 2017 mưa lụt xảy ra nhiều, các hồ chứa còn đầy nước, mà chỉ qua chưa đầy 8 tháng của năm 2018 đã cạn nước? Theo một số người dân làm nông nghiệp lâu năm ở huyện Diên Khánh, lượng nước hồ Suối Dầu đạt thấp như hiện nay có nhiều nguyên nhân. Một phần là do từ đầu năm đến nay nắng hạn, lượng mưa ít. Một phần có thể do cuối năm 2016 và năm 2017 tình hình mưa lũ xảy ra nhiều, các hồ chứa tổ chức xả điều tiết mạnh tay nên bây giờ nắng hạn là thiếu nước.
Tập trung tiết kiệm nước
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, sở dĩ lượng nước hiện nay thấp là do điều kiện thời tiết đang diễn biến thất thường. Thông thường vào thời điểm tháng 4, 5, 6 hàng năm, Khánh Hòa sẽ có mưa nhiều, xuất hiện một đợt lũ tiểu mãn, bổ sung khá nhiều nước cho các hồ chứa. Tuy nhiên, năm nay, lũ tiểu mãn không xuất hiện, những cơn mưa nhỏ không đáng kể, không đủ tạo dòng chảy cấp nước tới các hồ. Hiện nay, vụ lúa đông xuân còn 1 – 2 đợt tưới nhưng các cơ quan chức năng tính toán có thể sẽ phải điều tiết giảm trước sự thiếu hụt lượng nước như hiện nay.
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa được giao quản lý 18 hồ chứa lớn, nhỏ (ngoại trừ hồ thủy điện EaKrongRou) có tổng dung tích theo thiết kế gần 213 triệu m3; 32 đập dâng trên sông và hệ thống kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 và kênh tiêu, rãnh nước, kênh tiêu kết hợp tưới có tổng chiều dài gần 559km. Hàng năm, công ty có diện tích hợp đồng tưới khoảng 31.500ha lúa; cấp nước thô công nghiệp, sinh hoạt khoảng 12,5 triệu m3.
Ông Đinh Văn Mỹ – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết: “Với tình hình thiếu hụt nguồn nước cấp cho các hồ, trên cơ sở tính toán, tổng diện tích khoanh vùng không sản xuất vụ hè thu năm 2018 đối với các hồ chứa thuộc công ty quản lý hơn 600ha. Trong đó, có hơn 468ha diện tích sử dụng nước từ hồ Suối Trầu phải ngưng sản xuất. Ngoài ra, diện tích khoanh vùng đã sản xuất của 3 hồ: Am Chúa, Láng Nhớt, Cây Sung nếu thời gian tới không có mưa sẽ thiếu nước tưới ở cuối vụ. Công ty đang lập phương án để bơm chống hạn tại các hồ này cho hơn 273ha. Đối với các hồ khác thuộc công ty quản lý, dung tích còn lại hiện nay vẫn đảm bảo đủ nước cấp tưới vụ hè thu năm 2018 và cung cấp nước thô, sinh hoạt cho nhân dân trong vùng hưởng lợi.
Riêng các đập dâng ở khu vực phía bắc tỉnh, thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến cho lượng nước đến đập Cùng, đập Hàm Rồng và đập Đồng Tròn cạn kiệt. Đập dâng Sông Cái Ninh Hòa lượng nước đến nhỏ do hồ thủy điện Eakrongrou đến cao trình mực nước chết (chỉ phát điện 1 tổ máy). Hiện nay, công tác điều tiết nước các đập dâng nêu trên rất khó khăn, nên phải điều tiết tưới luân phiên. Riêng hệ thống Đập Cùng đã tổ chức bơm chống hạn. “Hiện nay, công ty tập trung nạo vét bồi lắng thượng lưu cống lấy nước, nạo vét bồi lắng hệ thống kênh, điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo dẫn nước kịp thời, tránh thất thoát nước. Đối với các đập dâng lượng nước đến cạn kiệt thì điều tiết tưới luân phiên. Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, nhất là ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước và thực hiện công tác điều tiết nước tưới tiết kiệm”, ông Đinh Văn Mỹ nhấn mạnh.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa