Nguy co chay rung cao tai DBSCL trong cao diem mua kho hinh anh 1Cán bộ chiến sỹ và người dân tham gia dập lửa, cứu rừng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)


Đồng bằng sông Cửu Long đang giai đoạn cao điểm mùa khô 2019-2020, ứng phó với đại hạn và xâm nhập mặn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Song song đó, nhiều tỉnh như An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… lại phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng hết sức quyết liệt để bảo vệ tài nguyên rừng vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

[Hạn mặn ngày càng khốc liệt, Cà Mau gấp rút tìm giải pháp ứng phó]

Đến giữa tháng 3 này, toàn bộ những cánh rừng ở các tỉnh Nam sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đều cảnh báo cháy và trước nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Hiện, nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp nên nếu xảy ra cháy thì tốc độ lây lan rất nhanh. Khu vực này từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại tài nguyên rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái, sinh kế dân sinh.

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm

Tỉnh An Giang nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao trên địa bàn một số huyện, thành phố miền núi như Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Đốc, cảnh báo cháy rừng cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn.

Trong điều kiện mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng nên các lâm phần rừng tràm, khu vực du lịch đồi núi tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Tỉnh khoanh vùng diện tích trọng điểm cháy rừng 7.286ha, chiếm hơn 43% tổng diện tích rừng của tỉnh.

Riêng huyện Tri Tôn có gần 4.300ha thuộc khu vực núi Dài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy, rừng tràm Bình Minh, rừng tràm Tân Tuyến…

Nguy co chay rung cao tai DBSCL trong cao diem mua kho hinh anh 2Cán bộ chiến sỹ và người dân tham gia dập lửa, cứu rừng thuộc khu vực Núi Cấm (An Giang). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Huyện Tịnh Biên cũng có hơn 2.900ha gồm rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô… Những ngày đầu tháng 3 này, khu rừng ở Núi Cấm (Tịnh Biên) xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, làm thiệt hại 6ha rừng các loại.

Bạc Liêu cũng có diện tích rừng lớn đứng trước nguy cơ cháy cao, gồm rừng Vườn chim Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu) khoảng 150ha, rừng vườn chim Lập Điền (Đông Hải) 21ha và rừng thuộc khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (Hồng Dân) khoảng 5ha.

Theo Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu, hiện đang vào đỉnh điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt khiến toàn lâm phần rừng của vườn đã khô cạn nước, cảnh báo cháy rừng cấp 5.

Tương tự, rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau với hơn 43.580ha trên lâm phần rừng U Minh Hạ và cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối báo cháy cấp 4-5.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho hay, mùa khô 2019-2020 nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu.

Dự báo mùa mưa sẽ đến muộn, khoảng giữa tháng 5 nên khả năng nhiều tuyến kênh trong lâm phần rừng tràm sẽ khô cạn, thiếu nước phòng cháy, chữa cháy rừng, trong khi đó không có nguồn nước bổ sung, đây là vấn đề nan giải nhất của mùa khô.

Nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp thì thời gian tới toàn bộ diện tích rừng U Minh Hạ, rừng cụm đảo sẽ báo động cháy cấp 5, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lơ là, mất cảnh giác.

Thực tế, lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, nhiều khu vực lớp thực bì trên mặt đất khô giòn nhạy lửa, cỏ bụi, lau sậy khô héo, nhất là dây leo trên những thân tràm đang trở thành những bó đuốc khổng lồ, nguy cơ cháy lớn rất cao.

Hiện mực nước ở các tuyến kênh thấp hơn so cùng kỳ năm 2019 từ 0,5-0,8m. Dự báo một số tuyến kênh trữ nước trong rừng sẽ bị khô cạn hoàn toàn trong những ngày tới, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra ở một số khu vực và việc phòng cháy, chữa cháy rừng ở Cà Mau tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi.

Cùng với đó, hơn 41.150ha rừng ở Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh và U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang cũng đang báo cháy cấp cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Hoàng Văn Tuấn cho biết dự báo diện tích rừng báo động cháy tiếp tục tăng lên do tình hình khô hạn đang diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, nước trên các lâm phần bốc hơi nhanh, độ ẩm thấp, báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Đáng lo nhất là toàn bộ rừng đảo Phú Quốc dự báo cháy cấp 5 và đồng cỏ bàng ở huyện Giang Thành là một trong những nơi rất nhạy lửa, dễ cháy.

Từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, trên một số lâm phần của tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng lớn, nhỏ. Cụ thể là trên địa bàn huyện Giang Thành, cháy rừng tràm ở xã Tân Khánh Hòa thiệt hại 10ha và rừng tràm ở xã Vĩnh Phú thiệt hại hơn 43ha; trong đó, rừng bị cháy 100% thiệt hại là 13,3ha rừng tràm. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân tự đốt cỏ dẫn đến cháy lan vào rừng.

Nỗ lực chống “giặc lửa”

Ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn, các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy theo phương châm “4 tại chỗ.”

Các tỉnh đã thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.

Nguy co chay rung cao tai DBSCL trong cao diem mua kho hinh anh 3Vận hành máy bơm nước chữa cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh phối hợp với lực lượng công an, bộ đội, biên phòng và những đơn vị có liên quan hiệp đồng chữa cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cháy xảy ra; vận động, hướng dẫn chủ rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng chống cháy rừng trên lâm phần, tuyên truyền trong cộng đồng cư dân làng rừng sử dụng lửa cẩn thận trong mùa khô, cam kết không vi phạm tài nguyên rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng đường băng cản lửa, tháp quan sát, chòi canh lửa, lán trại; bơm nước vào lâm phần; đóng cửa rừng khi rừng “báo động đỏ”…

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, cho biết tỉnh đã triển khai 37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các huyện, xã có rừng.

Kiểm lâm kết hợp với các xã tập trung tuyên truyền, giáo dục người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng, không chặt phá rừng trái phép… Tỉnh chuẩn bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân tham gia chống cháy rừng, trang bị 126 máy bơm nước, 146 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.500 các dụng cụ chữa cháy như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn cào, kẻng báo động… bố trí tại các điểm, chốt bảo vệ rừng để sẵn sàng dập tắt lửa khi cháy xảy ra.

Tập trung chống “giặc lửa,” ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu cho biết Vườn kiên quyết không để xảy ra cháy rừng.

Tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 630 triệu đồng để chống cháy rừng. Cán bộ, nhân viên của rừng thay phiên nhau trực chiến 24/24 trên lâm phần, lên chòi canh lửa từ 9-17 giờ hàng ngày quan sát để kịp thời phát hiện điểm cháy.

Vườn bố trí 5 máy chữa cháy chuyên dụng ở các điểm có thể xảy ra cháy, thường xuyên dọn dẹp thực bì trên bờ bao, các tuyến đường vào rừng để lực lượng, phương tiện có thể cơ động nhanh chóng khi cháy, bơm nước vào rừng…”

Tại Cà Mau, tỉnh này đang nỗ lực quyết liệt quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đang đứng trước nguy cơ cháy cao, đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.500ha rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Tỉnh bố trí 337 cán bộ luân phiên trực chiến 24/24 giờ trên các lâm phần, huy động gần 2.000 người tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

Đến nay, tỉnh đã đắp 84 đập giữ nước, phát dọn hơn 410km đường băng cản lửa và hàng trăm km kênh rạch lưu thông; chuẩn bị 70 tổ máy bơm với hơn 100 máy bơm, 48.000m vòi chữa cháy, 80 máy thông tin liên lạc ICOM phục vụ trong phòng chống cháy rừng; tuyên truyền, vận động hơn 4.780 hộ dân làng rừng ký cam kết thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết tỉnh phòng cháy hơn là chữa cháy, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, cháy rừng như đắp đập, đóng cống để giữ nước trên các lâm phần, tuyên truyền vận động người dân sống trong và ven rừng thực hiện tốt các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; nạo vét kênh mương, xây dựng mới và ban gạt các tuyến đường đảm bảo lưu thông.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng cho các đơn vị, chủ rừng, mua sắm sửa chữa các phương tiện, trang thiết bị, xây dựng và sửa chữa tháp quan sát, chòi canh lửa, lán trại…

Cùng với đó, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng xác định khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực 24/24 giờ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời không để xảy ra cháy lớn, cháy lan.

Các lực lượng chức năng phối hợp thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng để lấy mật ong, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật; nghiêm cấm việc đốt đất nông nghiệp, đốt xử lý thực bì trong những tháng cao điểm mùa khô.

Tương tự, tại Kiên Giang, hiện nay tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tổ chức ứng trực 24/24 giờ để bảo vệ rừng, sẵn sàng dập tắt lửa nhanh khi có cháy.

Tỉnh duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng kiểm lâm-công an-quân đội, xây dựng lực lượng ứng cứu trên các lâm phần từ 420-810 người.

Ngoài ra, tỉnh huy động thêm các lực lượng đóng quân trên địa bàn tỉnh như: Lữ đoàn 950, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh Sát biển 4… tham gia chống cháy rừng khi cháy lớn xảy ra.

Cùng với đó, phòng chống cháy rừng ở Phú Quốc, các đơn vị lâm nghiệp trên đảo này đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ.”

Vườn quốc gia Phú Quốc đã cày đường băng trắng diện tích hơn 464 ha các khu vực đồng tràm Bãi Thơm, Rạch Tràm (xã Bãi Thơm), Đồng Bà (xã Cửa Cạn), khu vực bãi Bổn (xã Hàm Ninh).

Các đơn vị cũng tiến hành cày ủi đường băng trắng cản lửa tổng chiều dài 14 km khu vực rừng phòng hộ; gia cố, nạo vét 68 giếng trữ nước; bố trí 40 bồn trữ nước ở các khu vực trọng điểm.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, ngành lâm nghiệp phối hợp với địa phương có rừng, chủ rừng tập trung tuyên truyền, thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến mọi người dân, nâng cao ý thức và chủ động tham gia phòng chống cháy rừng trên địa bàn.

Tỉnh kiên quyết xử lý những chủ rừng không thực hiện các điều kiện đảm bảo về phòng chống cháy rừng, không bố trí trực chiến tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao theo phương châm “4 tại chỗ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus