Tuy đã có biển báo cấm lưu thông ngược chiều trên đường Đồng Nai và đường số 13, số 6 (Khu đô thị Lê Hồng Phong 2, TP. Nha Trang), nhưng thời gian qua, các phương tiện vẫn vô tư đi ngược đường một chiều.
Theo quy định, từ ngày 1-12-2017, TP. Nha Trang tổ chức phân luồng giao thông nhiều tuyến đường. Trong đó, đường Đồng Nai thành đường 1 chiều. Các phương tiện giao thông đường bộ chỉ được phép lưu thông một chiều theo hướng từ ngã 5 đường Đồng Nai – Lê Hồng Phong – số 13 (Khu đô thị Lê Hồng Phong 2) đến ngã 4 đường Đồng Nai – đường Tố Hữu. Đối với đường số 13, bắt đầu từ ngã giao đường 8E, các phương tiện là ô tô chỉ được lưu thông một chiều ra đường Lê Hồng Phong. Hiện nay, do đường chưa hoàn thành nên chủ đầu tư chưa bàn giao được cho thành phố quản lý. Vì vậy, ngay đầu đường số 13, chủ đầu tư đã ngăn các phương tiện là xe ô tô bằng các tảng bê tông lớn. Còn đường số 6, tại điểm giao cắt với đường Lê Hồng Phong, phương tiện chỉ được phép đi vào trong khu đô thị. Để đi ra, với mô tô và xe máy phải theo đường số 13 để ra đường Lê Hồng Phong, còn với ô tô thì đi ra đường số 4, lưu thông về đường Võ Nguyên Giáp, ra Tố Hữu.
Để người tham gia giao thông biết và thực hiện đúng quy định, các đơn vị chức năng của thành phố và địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân dọc tuyến. Hơn 3 tháng triển khai, phần lớn người tham gia giao thông đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các lực lượng chức năng, không đi ngược chiều tại làn đường quy định. Tuy nhiên, còn không ít trường hợp cố tình đi vào đường ngược chiều, khi lực lượng chức năng yêu cầu chấp hành thì họ nại ra nhiều lý do như: nhà ở gần, nếu đi đúng quy định phải đi vòng khá xa.
Theo bà Ngọc – nhà ở đường Đồng Nai, đường chật hẹp nhưng nhiều người cứ vô tư điều khiển phương tiện vào đường ngược chiều, ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông trên tuyến. Nguy hiểm hơn, vào giờ cao điểm, một số phương tiện còn lấn sang làn đường người khác gây ách tắc giao thông.
Ông Hạnh – nhà cách nút giao đường Đồng Nai và Lê Hồng Phong khoảng 50m viện cớ: “Bình thường, tôi chỉ đi chưa đầy 2 phút là ra tới đường Lê Hồng Phong để vào trung tâm thành phố. Bây giờ thành đường một chiều phải đi cả mấy trăm mét mới có ngả rẽ ra, thành ra quen đường nên cứ đi cho tiện, dù biết là sai luật”.
Trên đường số 6, tình trạng vi phạm cũng diễn ra thường xuyên. Theo ghi nhận của phóng viên, việc đi ngược chiều của các phương tiện khá phổ biến, đặc biệt là đường Đồng Nai. Không chỉ các phương tiện xe máy, thậm chí cả xe ô tô cũng cố tình đi sai luật.
Theo Trung tá Lê Bửu Thọ – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang, trên đường một chiều đã lắp đặt các biển “Cấm đi ngược chiều”, nếu chủ phương tiện lưu thông ngược chiều sẽ là chướng ngại với các đối tượng tham gia giao thông khác và rất dễ gây va chạm, thậm chí là tai nạn. Vì vậy, người điều khiển xe cần chấp hành theo biển báo hiệu. “Tuy nhiên, thời gian qua, việc chấp hành của các phương tiện rất kém. Đội đã phối hợp với địa phương một mặt tuyên truyền, một mặt xử phạt các vi phạm của phương tiện sai luật nhưng cũng không giảm. Những lúc ra quân gắt gao thì số người vi phạm giảm, nhưng hễ vắng bóng lực lượng chức năng thì đâu lại vào đấy. Địa phương đã “bó tay”, trong khi lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, không thể túc trực 24/24 giờ tại tuyến này. Việc vi phạm chạy ngược chiều chủ yếu là người dân địa phương”, Trung tá Lê Bửu Thọ nói.
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang, để lập lại trật tự an toàn giao thông, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không điều khiển phương tiện vào đường một chiều, đường cấm nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông; đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị. Trong tháng 4, đội sẽ phối hợp với công an địa phương lên kế hoạch cao điểm, lập chốt tiếp tục xử lý những phương tiện cố tình vi phạm, trả lại trật tự cho các tuyến phố này.
MẠNH HÙNG
Theo: Báo Khánh Hòa