Từ lâu, người dân ở thôn Tây, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang đều biết đến ngôi nhà ngói cổ ẩn bên đường và gọi là “nhà ông Tùng”. Đó chính là nhà tưởng niệm Thiếu tướng Hà Vi Tùng – người được nhiều thế hệ quân dân Nha Trang gọi với cái tên trìu mến “người lính Nam tiến”. Nơi đây đã trở thành điểm ghi dấu kỷ niệm về những người lính đã tham gia chiến đấu ngoan cường từ thuở đầu mặt trận 23-10-1945 tới đầu năm 1950 với nhiều chiến công, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Ông Hà Vi Tùng tham gia mặt trận chống Pháp 23-10-1945 tại Nha Trang, nổi tiếng với tuyến phòng ngự Bretten ngã ba Chợ Mới – Lư Cấm chặn quân Pháp 101 ngày đêm. Đặc biệt nhất là trận đánh Xuân Phong – Cầu Ngói (nay là xã Vĩnh Phương) vào sáng 15-3-1949, Tiểu đoàn 360 do ông Hà Vi Tùng chỉ huy đã vận động, tiến công tiêu diệt, bắt sống nhiều tên trong đại đội quân Âu Phi và trung đội ngụy binh, trong đó có tên đồn trưởng Xuân Phong ác ôn Giô-dép. Đây là chiến công ghi dấu ấn tài nghệ cầm binh của vị chỉ huy Hà Vi Tùng, với thành tích Tiểu đoàn 360 (tiền thân của Tiểu đoàn 365) được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009.

Sau nhiều năm gắn bó, chiến đấu ở mặt trận Nam Trung bộ, người lính Hà Vi Tùng đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trải dài hơn 60 năm sự nghiệp của mình: Tham mưu trưởng Sư đoàn 305, Lữ đoàn trưởng 270 ở Vĩnh Linh (năm 1957); Tham mưu trưởng B3 (Tây Nguyên – 1965); Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B (năm 1968); Phó Tư lệnh mặt trận B5 – Trị Thiên; Cục trưởng khoa học quân sự Học viện Quân sự cao cấp (năm 1981); Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 3; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa (năm 1990). Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Hà Vi Tùng là người con gốc Sơn Tây, sinh ra ở Tuyên Quang nhưng nơi ông chiến đấu, cống hiến từ thuở đôi mươi và làm việc những năm cuối sự nghiệp của mình luôn gắn bó với Khánh Hòa. Vì thế, ông coi Nha Trang là quê hương thứ hai của mình. Theo Đại tá Hà Hoài Nam – con trưởng của Thiếu tướng Hà Vi Tùng, năm 1993, khi đón tiếp và đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường xưa tại Vĩnh Phương, ông ngỏ ý sau này muốn an nghỉ nơi này. Không ngờ chỉ hơn 1 năm sau, tháng 12-1994, người lính già đã nằm xuống trên mảnh đất ghi dấu ấn 50 năm chiến đấu của mình. Vì thế, con cháu và đồng đội đã đưa ông về an nghỉ ở sườn đồi nghĩa trang Vĩnh Phương. Đây là vị trí Tiểu đoàn trưởng Hà Vi Tùng chỉ huy trận đánh nổi tiếng Xuân Phong – Cầu Ngói. Ít lâu sau, người vợ của ông cũng được cải táng về đây cùng an nghỉ bên chồng. Cạnh mộ phần ông bà, đồng đội Tiểu đoàn 365 dựng bia ghi lại chiến công trận đánh Xuân Phong – Cầu Ngói oai hùng năm xưa.

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Hà Vi Tùng

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Hà Vi Tùng

Ngôi nhà ở thôn Tây – Vĩnh Phương là nguyên mẫu kiểu nhà ba gian hai mái của Nha Trang xưa, thời anh lính trẻ miền xứ Đoài mây trắng Sơn Tây vào miền đất thùy dương cát trắng chiến đấu chống giặc. Nơi đây được làm nhà tưởng niệm với gần đầy đủ những hiện vật sinh động cùng hình ảnh trải dài theo thời gian về cuộc đời 70 năm của vị tướng. Đây là công sức rất lớn của ông Hà Hoài Nam, vốn là người nổi tiếng về sưu tầm cổ vật cộng với tâm hồn nghệ sĩ nên đã biến ngôi nhà lưu niệm thành một bảo tàng thu nhỏ về người lính cách mạng từ thuở đầu cách mạng Tháng Tám tới ngày hòa bình 1990 (tướng Hà Vi Tùng vẫn tham gia ở các mặt trận quốc tế và biên giới). Vì thế, ngôi nhà đầy cảm xúc, ấm cúng hương vị bài trí của làng quê Bắc bộ, thanh tao thoáng đạt của miền Nam Trung bộ nhưng vẫn đầy hào khí anh hùng của người lính “Nguyên phong” với hàng câu đối dưới bức hoành phi do đồng đội tặng: “Chiến trận xông pha thù khiếp dân yêu công đức lớn – Hòa bình xây dựng Đảng tin bạn mến nghĩa tình sâu”. Nơi đây còn có một cây đào đất Thăng Long vươn cành đơm nụ và nở hoa thắm hồng mỗi khi mùa xuân về, đó chính là trái tim, tâm hồn người lính Hà Vi Tùng.

Nhưng điều quý giá nhất, đó là nơi đây trở thành điểm đến, nơi đi về cho những người lính – chiến hữu thân thiết của vị tướng. Những kỷ niệm nơi đây mang âm hưởng của người lính Nam tiến và mặt trận Nha Trang 23-10. Nhiều người lính già cứ tới ngôi nhà, thăm mộ tướng Hà Vi Tùng, bia ghi chiến công là không cầm được nước mắt, vừa tự hào vừa da diết nhớ thương đồng đội.

Với mọi người, ngôi nhà đặc biệt này cùng với tấm bia ghi chiến công là địa chỉ đỏ, là minh chứng của một thời hào hùng năm xưa. Hy vọng, ngôi nhà trở thành địa điểm cho lớp trẻ đến thăm viếng, để hiểu hơn về những người lính Nam tiến năm xưa vượt nghìn dặm gian khổ tới đây chiến đấu để giữ cho mảnh đất quê hương Nha Trang, Khánh Hòa được độc lập.

Lê Đức Dương

Theo: Báo Khánh Hòa