Bị khiếm thị từ nhỏ, cuộc sống có nhiều khó khăn thế nhưng bằng nghị lực của mình, Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh năm Giáp Tuất 1994 đã vươn lên trở thành một vận động viên điền kinh đạt nhiều thành tích vang dội ở khu vực, quốc tế.
Nguyễn Ngọc Hiệp sinh ra tại tỉnh Thanh Hóa với đôi mắt bình thường nhưng đến khoảng năm 4 tuổi, đôi mắt của Hiệp bị mờ dần, khi đi khám mắt, bác sỹ chẩn đoán bị thoái hóa võng mạc.
Lên 11 tuổi, lúc đang học lớp 6, Hiệp không nhìn thấy chữ trên bảng cũng như trong sách, khi viết các chữ nhảy lộn xộn ở các dòng, đứng trước nguy cơ bị mù hoàn toàn.
Trước lúc bị mù hoàn toàn, Hiệp được gia đình người chú đưa đến bệnh viện khám và bác sỹ chẩn đoán bị bong võng mạc.
Còn một tia hy vọng, gia đình Hiệp đã bán những tài sản quý giá để em phẫu thuật cứu lấy đôi mắt. Cuộc phẫu thuật chỉ giúp Hiệp nhìn thấy ánh sáng trong một thời gian ngắn rồi lại chìm dần trong trong tối.
Khi bị mù hoàn toàn, Hiệp được gia đình đưa vào học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về khoảng thời gian bắt đầu bị khiếm thị hoàn toàn, Ngọc Hiệp cho biết: “Từ một người sáng mắt phải sống trong bóng tối, tôi cảm thấy vô cùng suy sụp và hoảng loạn. Chính sự động viên của gia đình cũng như được vào trường Nguyễn Đình Chiểu học tập với bạn bè cùng hoàn cảnh giúp tôi thấy bình tĩnh trở lại và dần dần thích nghi với cuộc sống mới.”
[Cô bé khiếm thị An Như “vươn mầm” trong thế giới âm thanh]
Bên cạnh học văn hóa, Hiệp tích cực tham gia nhiều hoạt động thể thao tại trường như võ Judo, điền kinh, đá bóng, cờ vua, cờ tướng và cảm thấy bản thân phù hợp với bộ môn điền kinh.
Với thành tích xuất sắc trong các giải thể thao tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Ngọc Hiệp được chọn vào đội tuyển thi đấu Giải thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc năm 2007 và đoạt huy chương bạc nội dung bật xa.
Năm 2008, Ngọc Hiệp được giới thiệu đến tập luyện cùng đội thể thao người khuyết tật dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên tâm huyết tại Sân vận động Thống Nhất.
Cũng trong năm này, Hiệp tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và đoạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.
Từ đó, vận động viên người Thanh Hóa tập luyện thường xuyên tại sân Thống Nhất và tham gia Giải thể thao người khuyết tật hàng năm, đoạt huy chương vàng nội dung chạy 100m vào năm 2012.
Đến năm 2013, Huấn luyện viên đội tuyển điền kinh người khuyết tật quốc gia Đặng Văn Phúc nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển của Hiệp nên đưa ra lịch tập cụ thể và thường xuyên hướng dẫn cho Hiệp tập luyện.
Vì mong muốn đạt được thành tích cao tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2013 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Ngọc Hiệp ra sức tập luyện và không may bị chấn thương giật bắp, giãn dây chằng nên không đạt được thành tích tại giải này.
Không nản chí, Hiệp tiếp tục tập luyện chuẩn bị tham gia giải đấu mới và lại bị chấn thương gãy ngón tay do tiếp đất sai tư thế trong một lần tập luyện nhảy xa.
Vượt qua nỗi đau do các chấn thương gây ra, với nghị lực phi thường trong thi đấu, Ngọc Hiệp bất ngờ đoạt được cả 3 huy chương vàng nội dung chạy 200m, 400m và nhảy xa tại Giải điền kinh trẻ châu Á cuối năm 2013.
Với thành tích này, tháng 1/2014, Hiệp được chọn vào Đội tuyển điền kinh khuyết tật quốc gia thi đấu tại ASEAN Paragames 7 tại Myanmar.
Tại nội dung chung kết nhảy xa, Hiệp và đối thủ người Thái Lan cạnh tranh từng cm; trong lần nhảy cuối cùng Hiệp đã nhảy được 5,61m, vượt qua đối thủ người Thái Lan 5,58m và đoạt huy chương vàng. Đây là huy chương vàng đầu tiên của Hiệp tại đấu trường Đông Nam Á.
Một trong những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao của Ngọc Hiệp là đạt chuẩn để tham gia Paralympic Rio 2016 tại Brazil và đứng ở hạng 11 thế giới. Đối với Hiệp, đây là cơ hội cọ sát để tiếp tục tham gia và gặt hái thành công tại Paralympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản.
Theo Nguyễn Ngọc Hiệp, động lực để gắn bó lâu dài với thể thao là niềm đam mê, không khí vui vẻ như gia đình khi tập luyện cùng đồng đội, sự nhiệt huyết của các huấn luyện viên, niềm tin, sự kỳ vọng của gia đình và mọi người dành cho mình và mong muốn được chứng tỏ khả năng của mình trong thể thao người khuyết tật.
Đánh giá về học trò Nguyễn Ngọc Hiệp, ông Đặng Văn Phúc, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển điền kinh quốc gia cho biết ở môn nhảy xa, khả năng của Hiệp còn có khả năng phát triển cao hơn vì có một số lần tập luyện Hiệp đạt thành tích đến 6m. Nếu được đào tạo và tập huấn bài bản thì việc giành huy chương ở Giải điền kinh thế giới và Paralympic nằm trong khả năng của Ngọc Hiệp.
Bên cạnh việc tập luyện và thi đấu thể thao, vận động viên khiếm thị Ngọc Hiệp hiện là sinh viên năm cuối Khoa Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về lý do chọn ngành Quản lý giáo dục, Ngọc Hiệp cho biết: “Là người khiếm thị, tôi hiểu được những khó khăn, hạn chế của những người cùng hoàn cảnh cũng như những kinh nghiệm để khắc phục những khó khăn đó. Tôi chọn ngành Quản lý giáo dục để trong tương lai có thể mở một cơ sở giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật, truyền dạy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình để các em có điều kiện học tập, rèn luyện thể thao và học hỏi các kỹ năng hòa nhập cộng đồng”./.
Theo: Viet Nam Plus