Lâu nay, trong các vụ án ly hôn và giao nuôi con chung, người dự thường có cái nhìn ưu ái về quyền nuôi con của người mẹ, đặc biệt khi người con là con gái. Nhưng vụ án tranh chấp quyền nuôi con ở Nha Trang lại có hướng giải quyết khác và đã được nhiều người dự đồng tình.   
Trước tòa, người chồng trình bày, khoảng chục năm trước, vợ chồng ông kết hôn rồi vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Hạnh phúc hôn nhân kéo dài chừng 6 năm. Khi con gái lên 3 tuổi thì ông phát hiện vợ ngoại tình với một đồng nghiệp. Sau giai đoạn buồn chán, bình tâm lại, nghĩ đến con, mong muốn níu kéo hạnh phúc gia đình, ông nhỏ to phân tích điều hơn lẽ thiệt cho vợ, những mong cô ấy hồi tâm, quay về với gia đình. Để vợ không lưu luyến, ông còn xin chuyển công việc cho cả hai vợ chồng về Nha Trang. Tuy vậy, vợ ông vẫn tiếp tục có quan hệ vượt quá giới hạn với một đồng nghiệp mới. Ngày trực tiếp chứng kiến vợ mình vào khách sạn cùng nam đồng nghiệp, ông đã sụp đổ mọi hy vọng níu kéo và báo chính quyền tới lập biên bản. Không thể thay đổi được thực tế hôn nhân đã đổ vỡ, ông quyết định nộp đơn ly hôn và tha thiết xin nhận nuôi con gái 5 tuổi. 
Trong khi đó, người vợ phủ nhận hết mọi tình tiết mà người chồng nêu. Theo bà, mối quan hệ của hai bên rạn nứt chỉ đơn giản do không còn hợp nhau. Vụ việc bị bắt quả tang và lập biên bản tại khách sạn chỉ là bà “cố tình dàn cảnh” nhằm khiến chồng quyết tâm cắt đứt cuộc hôn nhân đã nguội lạnh! Bà đồng ý ly hôn và cũng một mực xin được nuôi con gái. 2 luật sư bảo vệ quyền lợi của người vợ đưa ra lý lẽ: cháu bé là con gái, ở với mẹ sẽ tốt hơn bởi mẹ hiểu tâm lý con gái, dễ đồng cảm hơn so với người cha. 
Nhưng lý lẽ đó đã không còn vững vàng khi luật sư bảo vệ quyền lợi cho người chồng đưa ra hàng loạt hình ảnh, video chứng minh cháu bé ở với người cha sẽ tốt hơn. Nhiều người dự rưng rưng khi biết người chồng có vẻ vụng về đó lại có thể chăm sóc con gái chu đáo từng bữa ăn, cái mặc, kiên trì đứng chờ đón con tan học mỗi ngày… Nhiều nhân chứng cũng xác nhận chuyện này. Điều cuối cùng khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ chính là tình huống mà luật sư nêu ra. Đó là nguy cơ con gái riêng có thể bị xâm hại rất cao khi mẹ đi bước nữa. Thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng như vậy. Người vợ trong vụ án này còn trẻ, không có gì bảo đảm bà sẽ không đi bước nữa. Quá trình chăm sóc con trước đó của bà cũng không thể nói là chu đáo, cho dù lúc đó cháu còn nhỏ, rất cần sự chăm sóc của mẹ. Như vậy, sao có thể bảo đảm cháu về sống với mẹ sẽ được chăm sóc chu đáo hơn, đặc biệt sau khi mẹ cháu có người mới? 
Nghe tòa tuyên chấp nhận cho hai vợ chồng ly hôn, giao con gái cho người cha chăm sóc, người mẹ tỏ ra rất bực bội, tuyên bố sẽ kháng cáo, và quả thật bà đã nộp đơn kháng cáo. Nhưng sau đó nhiều ngày, 2 lần tòa mở phiên tòa phúc thẩm, người vợ đều vắng mặt rồi xin hoãn. Cuối cùng, người ta thấy tòa đình chỉ xét xử, tuyên án sơ thẩm có hiệu lực do người vợ quyết định rút kháng cáo. Xem ra, bà đã bỏ được những bực bội tức thì trong mối quan hệ với chồng cũ, để bình tâm cân nhắc điều tốt nhất cho con gái mình. 
TAM THUẬT

Theo: Báo Khánh Hòa