UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, ngành khai thác thủy sản sẽ phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa, xuất khẩu lớn phù hợp với thực tế của địa phương.
Nhiều lợi thế
Những năm qua, ngành Thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 11,34%/năm. Năm 2020, tuy gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn đạt hơn 95.590 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 510 triệu USD. Riêng ngành khai thác thủy sản, Khánh Hòa được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.385 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó có 1.891 tàu khai thác vùng ven bờ, 753 tàu khai thác vùng lộng và 741 tàu hoạt động vùng khơi. Ngành khai thác thủy sản có lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân địa phương là: câu cá ngừ đại dương, nghề lưới cản, lưới chụp và lưới vây. Giai đoạn 2016-2020, sản lượng khai thác thủy sản bình quân hàng năm của ngư dân trong tỉnh đạt 96.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện nay, lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng phát triển bền vững. Lực lượng khai thác đã được cơ cấu lại theo vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi đúng với chủ trương, định hướng của Trung ương. Lực lượng tàu cá khai thác vùng khơi đã được trang bị ngư cụ, hệ thống bảo quản sản phẩm hiện đại, đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Lực lượng khai thác này đã tham gia vào 8 nghiệp đoàn nghề cá, 6 hợp tác xã khai thác thủy sản, 70 tổ đội sản xuất nhằm liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất trên biển…
Các cơ sở hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cảng cá, 1 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo phục vụ hoạt động nghề cá địa phương; 4 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; nhiều cơ sở cung cấp dầu, nước đá, thu mua hải sản, sửa chữa ngư cụ… phục vụ hậu cần cho các đội tàu khai thác trong và ngoài tỉnh. Một lợi thế lớn đối với ngành khai thác thủy sản tỉnh là trên địa bàn có nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Toàn tỉnh có đến 149 cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, với nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu lớn, có uy tín. Sản phẩm thủy sản của Khánh Hòa đã có mặt tại thị trường 64 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Định hướng phát triển bền vững
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng ngành thủy sản chiếm 61-62% trong cơ cấu toàn ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 150-155 nghìn tấn, trong đó 60% là sản lượng khai thác, 40% sản lượng nuôi trồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700-725 triệu USD, tăng bình quân 5-6%/năm. Hơn 80% lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn. |
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, để xây dựng và phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản bền vững, UBND tỉnh định hướng phát triển ngành khai thác thủy sản tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU; tiếp tục tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản gắn với chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế cho ngư dân; phát triển đội tàu khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm thiểu và tiến tới chấm dứt nghề mang tính hủy diệt; phân bổ hạn ngạch khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhằm đưa đội tàu đi khai thác viễn dương, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất sau khai thác cũng như đảm bảo điều kiện làm việc của ngư dân…
Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; tổ chức sản xuất; tăng cường công tác quản lý nhà nước; các cơ chế, chính sách để thu hút phát triển ngành thủy sản, trong đó có ngành khai thác thủy sản. Theo đó, tỉnh sẽ có chính sách tài chính, tín dụng để thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với các hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn ODA, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực khai thác thủy sản, hậu cần nghề cá, chế biến xuất khẩu thủy sản…
HẢI LĂNG