Ngày 1-3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố môn thi thứ ba trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 là tiếng Anh. Căn cứ theo nội dung công văn đã được tỉnh ban hành, đối với các trường THPT công lập (trừ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Dân tộc nội trú tỉnh) áp dụng phương thức thi tuyển, học sinh (HS) sẽ phải thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Thời gian làm bài của các môn: Ngữ văn, Toán là 120 phút, tiếng Anh là 60 phút. Các môn đều thi theo hình thức tự luận. Riêng môn tiếng Anh sẽ thi theo hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và các trường THPT công lập sẽ diễn ra vào ngày 4 và 5-6-2019. Như vậy, sau 6 năm thực hiện phương thức xét tuyển (trừ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) thì năm học 2019 – 2020, HS Khánh Hòa sẽ thi tuyển vào lớp 10.
Việc thực hiện phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển dựa vào kết quả học tập, hạnh kiểm bốn năm học cấp THCS như trước đây có nhiều ưu điểm: giảm áp lực thi cử cho HS và phụ huynh; tiết kiệm chi phí tổ chức thi tuyển; góp phần làm giảm và hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Đồng thời, tạo điều kiện để các thầy cô giáo, cán bộ ngành Giáo dục có thêm thời gian nghỉ ngơi, thay vì phải tập trung cho kỳ thi tuyển sinh này hàng năm như trước đây. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo lắng, băn khoăn với cách tính điểm để xét tuyển lớp 10 liệu có thể kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng “chạy điểm”, “chạy hạnh kiểm” cho HS hay không?.
Còn thực hiện phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là thi tuyển có những mặt tích cực là xóa bỏ được dư luận “chạy điểm, chạy hạnh kiểm” trong bốn năm học cấp THCS; nhiều HS có điểm cao (40 điểm) vẫn không vào được trường công lập đã xảy ra; đồng thời qua kết quả thi tuyển vào lớp 10 sẽ phản hồi được thực chất, chất lượng dạy học ở các trường THCS hiện nay. Thi tuyển còn được xem là phương án khách quan, trung thực, công bằng hơn được nhiều địa phương khác như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác thực hiện.
Mỗi phương thức đều có điểm tích cực và hạn chế như phân tích ở trên. Việc lựa chọn phương thức nào cũng phải tính đến giải pháp, khả năng, điều kiện thực hiện, tình hình thực tế, xu thế chung hiện nay và nhất là không gây “sốc” cho HS. Tuy nhiên, sau khi Sở GD-ĐT công bố môn thi thứ ba là tiếng Anh, dư luận cũng có lo lắng về chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay chưa đồng đều. Nếu có sự so sánh về khả năng tiếng Anh thì HS ở TP. Nha Trang hơn các huyện, thị xã còn lại và tất nhiên HS miền xuôi điều kiện học tiếng Anh tốt hơn miền núi. Do vậy, về lâu dài Sở GD-ĐT nên đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường miền núi. Nhưng theo ý kiến nhiều thầy cô, việc sở chọn môn thi thứ ba là tiếng Anh trong tình hình xu thế hiện nay là khá hợp lý.
Điều thầy cô, phụ huynh và HS rất quan tâm hiện nay là Sở GD-ĐT nên sớm công bố bộ đề thi minh họa tuyển sinh 3 môn Toán, Văn và tiếng Anh để nhà trường, nhất là thầy cô nắm được định hướng nội dung thi tuyển, HS làm quen với cấu trúc, dạng đề thi, thang điểm… Ví dụ, môn Văn cấu trúc đề có đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học không và tương ứng mỗi phần là bao nhiêu điểm? Tương tự môn Toán phần hiểu vận dụng chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?… Việc Sở GD-ĐT sớm công bố bộ đề thi minh họa là rất cần thiết, vì thời gian diễn ra thi tuyển vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 sắp gần kề, để HS khỏi phải quá bất ngờ khi thi chính thức.
Nguyễn Văn Lực
Theo: Báo Khánh Hòa