Dự kiến quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh đến năm 2050 sẽ xây dựng thêm nhà ga, nâng tổng công suất lên 45 triệu khách/năm.
Cần điều chỉnh quy hoạch
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1006 phê duyệt quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, phương án tổng thể, cảng đáp ứng khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như: A320, A321, B767-300, B777, B747… Đến năm 2020, xây dựng đường băng số 2; đường băng số 1 đến năm 2030 sẽ được cải tạo nâng cấp. Khu nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2015 sử dụng nhà ga công suất 1,5 triệu hành khách/năm hiện có. Giai đoạn đến năm 2030, tùy theo nhu cầu thực tế sẽ mở rộng hoặc xây dựng thêm đạt 3.800 hành khách/giờ cao điểm; đến năm 2030, mở rộng khu nhà ga hàng hóa đạt công suất 20.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, những năm qua, khách du lịch đến Nha Trang – Khánh Hòa tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến năm 2019 đã có 10 triệu khách, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế thông qua Cảng HKQT Cam Ranh (công suất thiết kế chỉ 5,1 triệu khách/năm); hàng hóa thông qua cảng hơn 20.600 tấn. Như vậy, công suất thiết kế, quy hoạch cảng đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng của khách du lịch.
Đơn vị tư vấn Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với Cảng HKQT Cam Ranh có đề xuất xây dựng thêm 1 nhà ga để nâng tổng công suất lên 25 triệu hành khách/năm (đến năm 2030); mở rộng sân đỗ bảo đảm nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không; xây dựng khu hàng không dân dụng, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ đồng bộ với nhà ga hành khách. Giai đoạn 2030 – 2050, xây dựng thêm 1 nhà ga và mở rộng nhà ga hiện hữu để nâng tổng công suất lên 45 triệu hành khách/năm. Nhu cầu sử dụng đất, giai đoạn 2021 – 2030 và 2030 – 2050 tổng diện tích toàn cảng là 657,9ha.
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, trong dự thảo quy hoạch thể hiện hiện trạng Cảng HKQT Cam Ranh có diện tích 715,05ha. Trong khi theo quy hoạch tại Quyết định 236 ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ thì cảng này có diện tích đến năm 2030 là 760ha và theo quy hoạch định hướng giai đoạn 2021 – 2030, 2030 – 2050 là 657,9ha. Như vậy, đơn vị tư vấn cần rà soát lại diện tích quy hoạch sử dụng đất của cảng để đáp ứng nhu cầu phát triển, bổ sung phân tích, đánh giá sự chênh lệch giảm và phương án sử dụng đối với phần diện tích giảm này. Ngoài ra, đề nghị bổ sung các tọa độ ranh giới quy hoạch sử dụng đất cảng định hướng đến năm 2050 để có cơ sở xem xét, theo dõi, quản lý quy hoạch. Đồng thời, cần xem xét đánh giá, phân định rõ quy chế hoạt động bay dân dụng và quân sự trong cảng để đảm bảo tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của cảng trong thời gian tới.
Đề xuất Đầu tư hạ tầng kết nối với cảng
Hiện nay, Cảng HKQT Cam Ranh có sân bay cấp 4D, khu bay gồm 2 đường cất hạ cánh, sân đỗ đáp ứng 26 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách, tổng diện tích sử dụng hơn 13.995m2, công suất 2,5 triệu hành khách/năm (quốc tế), 2,6 triệu hành khách/năm (nội địa). Tổng diện tích sân đỗ ô tô và đường giao thông là 34.000m2, năng lực thông qua 800 khách/giờ cao điểm. Nhà ga hàng hóa có công suất 2.500 tấn/năm (số lượng thông quan năm 2019 hơn 20.600 tấn/năm), diện tích đất thực tế hơn 715ha. |
Đơn vị tư vấn phân tích, Cảng HKQT Cam Ranh có công suất khai thác xếp thứ 4 tại Việt Nam. Hiện nay, việc kết nối cảng về trung tâm Nha Trang là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Quốc lộ 1. Quy mô hiện tại đại lộ Nguyễn Tất Thành có 4 làn xe, tuy nhiên theo quy hoạch tương lai được nâng cấp, mở rộng với quy mô 8 làn xe, lộ giới đại lộ Nguyễn Tất Thành quy hoạch là 90m. Đơn vị tư vấn đề xuất phương án nghiên cứu hướng tuyến đường sắt kết nối TP. Nha Trang với Cảng HKQT Cam Ranh.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, trong dự thảo quy hoạch, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đánh giá, bổ sung thêm các nội dung quy hoạch, đầu tư phát triển, hệ thống các hạ tầng kỹ thuật kết nối với cảng như: Quy hoạch đầu tư hoàn thiện, đồng bộ mạng lưới đường bộ cao tốc (bao gồm tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang và Nha Trang – Đà Lạt); đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đầu tư các tuyến đường ven biển; quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Nha Trang với sân bay Cam Ranh; nâng cấp, mở rộng thêm các làn xe của tuyến đại lộ Nguyễn Tất Thành; quy hoạch, đầu tư mới tuyến đường qua đèo Cù Hin; đầu tư phát triển hệ thống cảng biển… để đảm bảo phát triển đồng bộ. Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Giao thông vận tải sẽ rà soát, cập nhật các nội dung trên để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Về nguồn lực đầu tư, Sở Giao thông vận tải đề xuất đơn vị tư vấn lập quy hoạch xem xét bổ sung, nghiên cứu các điều kiện, nguồn lực (nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác) để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển Cảng HKQT Cam Ranh. Đồng thời, ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương phát triển tổ chức giao thông đô thị kết nối với cảng như: Đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Nha Trang với sân bay Cam Ranh; nâng cấp, mở rộng thêm các làn xe của tuyến đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư mới tuyến đường qua đèo Cù Hin để tăng khả năng kết nối đường Nguyễn Tất Thành với sân bay Cam Ranh…
MẠNH HÙNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202103/nang-cong-suat-cang-hang-khong-quoc-te-cam-ranh-8209731/