Năm 2016, sau khi kết thúc chiến dịch học sinh (HS) và hộ gia đình tham gia diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), kết quả giám sát ở nhiều địa phương cho thấy các chỉ số côn trùng (nhà có lăng quăng, nhà có muỗi…) đã giảm gần một nửa. Từ kết quả đó, năm nay, ngành Y tế cùng với ngành Giáo dục – Đào tạo tiếp tục phối hợp triển khai chương trình.
Các trường chủ động
Từ giữa tháng 9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ giáo dục cấp huyện và cấp phát các phiếu hướng dẫn HS cách diệt lăng quăng… Một số huyện, thị xã, thành phố đã bắt đầu tổ chức tập huấn, tuyên truyền chiến dịch đến các trường.
Cô Trương Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang) cho biết, ngay đầu tháng 8, nhà trường đã chủ động cắt tỉa cây xanh, nạo vét các mương thoát nước, phối hợp với Đội Y tế dự phòng TP. Nha Trang phun thuốc diệt muỗi ở các lớp học, sân trường. Bước vào đầu năm học, nhà trường tổ chức cho HS tổng vệ sinh trường lớp, tham gia diệt lăng quăng tại trường, phát động phong trào tìm các vật dụng phế thải (chai, hũ, lọ, hộp sữa…) ở khuôn viên trường bỏ vào thùng rác; tổ chức tuyên truyền hàng tuần về dịch bệnh SXH thông qua chương trình phát thanh măng non. Ngoài ra, nhà trường còn lập một sổ theo dõi tình hình ca mắc SXH tại trường để giám sát nhằm phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Theo kế hoạch, năm nay, trường sẽ triển khai chiến dịch vào giữa tháng 10, có gần 700 HS khối lớp 3 đến lớp 5 sẽ tham gia tìm diệt lăng quăng tại nhà.
Đầu tháng 9, Trường THCS Mai Xuân Thưởng (TP. Nha Trang) đã phun thuốc diệt muỗi, tổ chức cho HS tổng vệ sinh trường lớp, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… Những ngày này, nhà trường tích cực tuyên truyền trên đài măng non, trong các buổi chào cờ cho HS về nguyên nhân gây bệnh SXH, cách phòng bệnh, cách thức diệt lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước… Em Nguyễn Ngọc Huyền Thảo – HS lớp 8/8 cho biết: “Trước kia, em có nghe tuyên truyền nhiều trên đài, báo nhưng không chú ý, khi tự tay mình làm em mới biết rõ con lăng quăng, biết nó thường sinh sản ở chỗ nào, gây bệnh ra sao… Từ đó đến nay, em vẫn duy trì thói quen giúp mẹ kiểm tra các lu chứa nước, súc rửa bình hoa”.
Hiệu quả tích cực
Dự kiến, năm nay có 269 trường tiểu học, THCS ở 6 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) tham gia chiến dịch. Tùy vào từng địa phương, thời gian triển khai chiến dịch diễn ra từ nay cho đến hết tháng 10. |
Được biết, sau khi thí điểm tại một số trường vào năm 2015, năm 2016, chiến dịch bắt đầu được triển khai đại trà tại 307 trường học với hơn 108.450 HS (khối lớp 3 đến lớp 7) tham gia. Sau chiến dịch, kết quả điều tra các chỉ số côn trùng ở một số địa phương cho thấy chiến dịch đã có tác động rõ rệt và mang lại hiệu quả. Cụ thể, ở TP. Cam Ranh, trước khi triển khai chiến dịch, số dụng cụ có lăng quăng/100 nhà là 45 dụng cụ, sau chiến dịch giảm xuống còn 25 dụng cụ, nhà có lăng quăng giảm từ 28% xuống 22,5%, nhà có muỗi giảm từ 24,67% xuống 20%. Các chỉ số này ở Nha trang, Diên Khánh, Vạn Ninh đều giảm đáng kể…
Bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bên cạnh những mặt đạt được, một số phụ huynh chưa nhiệt tình cho con em mình tham gia, chưa nhận thức được tầm quan trọng của diệt lăng quăng. Ở một số trường còn có hiện tượng giáo viên không hướng dẫn HS tìm diệt lăng quăng mà chỉ hướng dẫn HS trả lời các câu hỏi, đưa phụ huynh ký và gửi lại cho giáo viên.
“Để chiến dịch đạt hiệu quả, chúng tôi rất mong thầy, cô giáo hướng dẫn HS về nhà nghiêm túc tìm diệt lăng quăng, thực hiện 2 lần liên tiếp cách nhau 1 tuần; hiệu trưởng các trường cần quán triệt tinh thần cho giáo viên chủ nhiệm theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường cần phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát hoạt động này tại trường để chiến dịch được triển khai nghiêm túc; kịp thời khen thưởng đối với những trường, HS làm tốt…”, bác sĩ Mai kiến nghị.
Cát Đan
Theo: Báo Khánh Hòa