Việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quan tâm triển khai từ cấp mầm non đến THPT. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Triển khai ở tất cả cấp học

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Ở bậc mầm non, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ tại 12 trường từ năm học 2015-2016. Đến nay, chương trình đã được thực hiện tại 124 cơ sở giáo dục mầm non (117 trường và 7 nhóm, lớp độc lập), với 29% trẻ mẫu giáo tham gia.



Học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) tại Cuộc thi nói tiếng Anh năm học 2022-2023.

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) tại Cuộc thi nói tiếng Anh năm học 2022-2023.



 Ở bậc phổ thông, chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016-2017) hiện đang được các trường tiểu học triển khai dạy cho học sinh (HS) lớp 4, 5; cấp THCS dạy cho HS lớp 8 và một số lớp 9; cấp THPT dạy cho HS lớp 11 và 12. Còn HS các khối lớp 3, 6, 7, 10 đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, có 144 trường tiểu học tổ chức cho HS lớp 1, 2 làm quen với tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT triển khai thí điểm dạy môn Toán và môn Khoa học bằng tiếng Anh cho HS tiểu học. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên chỉ có 9 trường thực hiện với hơn 630 HS tham gia, chủ yếu là HS lớp 1, 2.


Ông Lê Đình Thuần – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay, sở đã thực hiện xong việc bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tiếng Anh các cấp, từ tiểu học đến THPT. Đồng thời, tiếp tục triển khai tập huấn giáo viên về kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh, nâng cao hiệu quả các hoạt động kiểm tra, đánh giá thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Cùng với đó, các điều kiện dạy và học ngoại ngữ được tăng cường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Sở đã trang bị cho 11 trường THPT công lập phòng thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng; 39 thiết bị (màn hình tương tác thông minh, máy vi tính bộ cho giáo viên, hệ thống âm thanh cho lớp học) cho 39 trường THCS tại 8 huyện, thị xã, thành phố.


Ngoài ra, sở chỉ đạo các trường huy động tối đa các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng phòng học ngoại ngữ, các phần mềm, chương trình học trực tuyến, nguồn học liệu mở… Cùng với hoạt động giảng dạy chính khóa, nhiều trường đã quan tâm tổ chức các câu lạc bộ, phát động phong trào, thường xuyên tổ chức hoạt động nói tiếng Anh đầu giờ, các cuộc thi hùng biện…, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.  

Còn khó khăn


Mặc dù vậy, việc dạy và học ngoại ngữ ở một số nơi vẫn còn khó khăn. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, năng lực tiếng Anh của nhiều HS ở các khối lớp đầu cấp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo chương trình mới do Bộ GD-ĐT quy định (lớp 6 đạt bậc A1 và lớp 10 đạt bậc A2). Biên chế của nhà trường cho giáo viên tiếng Anh chưa đồng bộ, một số đơn vị phải hợp đồng giáo viên dạy nên chất lượng chưa đảm bảo và đội ngũ giáo viên không ổn định. Giáo viên môn tiếng Anh cấp tiểu học phần lớn chuyển từ giáo viên cấp THCS nên đôi lúc gặp khó khăn trong phương pháp dạy học và tổ chức lớp học. Bên cạnh đó, điều kiện học tập ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế.


Ông Võ Bá Phụng – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm cho biết, chất lượng học tập môn ngoại ngữ của HS trong huyện nhìn chung còn thấp, nhiều HS còn hạn chế trong giao tiếp, đặc biệt là HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có lượng kiến thức còn nặng đối với HS khu vực nông thôn, miền núi. Phòng đề xuất Sở GD-ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên ngoại ngữ về đổi mới công tác giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.


Theo ông Nguyễn Văn Du – Trưởng phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh, hiện nay, cơ sở vật chất trường học mặc dù đã được quan tâm sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng cho việc dạy học ngoại ngữ, nhất là việc phát triển kỹ năng giao tiếp, tương tác, tổ chức các hoạt động theo đặc thù bộ môn. Một số trường vẫn còn thiếu phòng học ngoại ngữ với các trang thiết bị hỗ trợ nghe, nói. Sở GD-ĐT cần tổ chức các buổi hội thảo, các tiết dạy mẫu trực tuyến để các giáo viên học hỏi, rút kinh nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy môn tiếng Anh.


H.NGÂN

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202303/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-8278259/