Tuy mưa lớn kéo dài trong những ngày qua nhưng lượng nước đổ về các hồ chứa không đáng kể. Nguy cơ thiếu nước sản xuất, thậm chí cả nước sinh hoạt trong năm 2019 đang hiện hữu.
Những ngày qua, hầu hết các địa bàn trên toàn tỉnh Khánh Hòa đều có mưa. Lượng mưa đo được ở các địa phương ven biển khá lớn. Tại Vạn Ninh, trong ngày 7 đến sáng 8-11, lượng mưa đo được là 103mm, Cam Ranh 51,1mm, Khánh Sơn 48mm, Nha Trang 37mm… Điều đáng nói là lượng mưa chỉ phổ biến ở các địa phương ven biển, còn ở khu vực đầu nguồn sông, suối, nguồn sinh thủy cho các hồ chứa nước, lượng mưa không đáng kể. Chính vì vậy, hiện mực nước hầu hết các hồ chứa, đặc biệt là những hồ có dung tích lớn đều đang ở mức thấp.
Hồ Hoa Sơn ở Vạn Ninh có tổng dung tích xấp xỉ 20 triệu khối nhưng đến sáng 8-11 mới chỉ có khoảng 10 triệu khối nước. Hồ Đá Bàn ở Ninh Hòa có dung tích 75 triệu khối nhưng đến nay cũng chỉ mới tích được 16,3 triệu khối, tương đương với 22% dung tích của hồ. Hồ thủy điện EaKrongRou có dung tích gần 36 triệu khối nhưng hiện mới chỉ tích trữ được chưa đầy 6,7 triệu khối. Hồ Suối Dầu ở Cam Lâm cũng chỉ có 17,7 triệu khối nước/dung tích 32,78 triệu khối. Hồ Cam Ranh cũng bị tình trạng khan hiếm nước khi chỉ có chưa đầy 9 triệu khối, đạt 40% so với dung tích hồ.
Theo Chi cục Thủy lợi, năm nay những cơn mưa xuất hiện muộn, giữa năm không có các đợt lũ tiểu mãn như mọi năm. Lượng mưa năm 2018 tính đến thời điểm này thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Rải rác có xuất hiện một số đợt mưa, nhưng chủ yếu phân bố ở các địa phương ven biển, không có khả năng tiếp thêm nguồn nước cho các hồ chứa vốn nằm ở cánh tây tỉnh. Vì thế, đến sáng 8-11, 19 hồ chứa nước lớn trên toàn tỉnh với tổng dung tích gần 250 triệu khối nhưng lượng nước chỉ đạt 92,51 triệu khối, đạt tỷ lệ 37% so với dung tích toàn bộ. “Ở những năm trước, vào thời điểm từ tháng 11 trở đi, các hồ chứa thường đã đạt đến lượng chứa phổ biến trên 80%. Thậm chí một số hồ đã đầy nước, cơ quan chức năng phải thường xuyên tính toán để xả bớt, đón lũ. Với lượng nước như trên, nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong năm 2019 là rất lớn”, ông Lê Xuân Thái – Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết.
Từ thực tế trên, theo cơ quan chuyên môn, ngay từ bây giờ, việc xây dựng kịch bản thiếu nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đưa ra các giải pháp tiết kiệm nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai.
Hồng Đăng
Ông Võ Anh Kiệt – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ: Theo dự báo, từ tháng 11 đến hết năm còn có khả năng xuất hiện 1 – 2 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó 1 cơn ảnh hưởng gián tiếp tới thời tiết Khánh Hòa. Không khí lạnh hoạt động mạnh vào trung tuần tháng 11 và 12. Dự báo từ nay đến cuối năm khả năng có 3 – 5 đợt không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến thời tiết Khánh Hòa, ít hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ (4 – 6 đợt). Mưa lớn khả năng diễn ra 1 – 2 đợt trên diện rộng tập trung vào nửa cuối tháng 11 và 12. Tổng lượng mưa toàn tỉnh ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, thiếu hụt khoảng 20 – 40% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa từ nay đến hết năm phổ biến từ 350 – 550 mm. Từ tháng 11 đến tháng 12, mực nước các sông ít biến đổi, có khả năng xuất hiện 1 – 2 trận lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ từ báo động I đến báo động II. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 20 – 40%, riêng sông Cái Nha Trang thấp hơn 65 – 75%. Vì vậy, bên cạnh đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (lũ quét, sạt lở, ngập lụt…) xảy ra trong mùa lũ, cần đề phòng nguy cơ xảy ra khô hạn, cháy rừng trong mùa khô năm 2019.
V. LẠC (Ghi)
Theo: Báo Khánh Hòa