Phi tửu bất thành lễ, mời nhau uống rượu bia ngày Tết hay những dịp hội họp đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên cái “lễ” đó của người xưa khá chừng mực khi chỉ dừng lại ở dăm ba chén. Còn ngày nay, chừng mực ấy dường như bị phá bỏ bởi những câu cửa miệng “không say không về” trong mỗi cuộc vui.
T
heo khảo sát của WHO với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông ở Việt Nam, có tới 36,5% người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Con số này ở người lái ôtô cao gần gấp đôi, lên tới 66,8%.
Theo kết quả nghiên cứu hành vi lái xe sau khi uống rượu bia tại 10 quốc gia trọng điểm, trong đó có Việt Nam do Heineken tiến hành:
– Hơn một trong 3 người vẫn lái xe khi đã uống rượu bia cho rằng đây là hành vi có thể chấp nhận được trong văn hóa Việt (37% ở Việt Nam so với 28% trên toàn cầu).
– 86% tài xế được khảo sát thừa nhận từng lái xe sau khi uống rượu bia; 63% tài xế nghĩ rằng họ tự nhận thức được giới hạn của bản thân khi uống rượu bia trước khi lái xe (so với 55% trên toàn cầu).
– Đáng quan ngại hơn, nhiều người lái xe khi đã uống rượu bia tin rằng họ có thể uống hơn gấp 50% mà vẫn có thể lái xe an toàn.
Những con số trên cho thấy các tài xế Việt khá tự tin về khả năng tự chủ của mình sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Nhưng đáng buồn là sự tự tin đó lại hóa chủ quan bởi khi có chất cồn trong cơ thể, con người sẽ có xu hướng thích tốc độ, thiếu cảnh giác và thừa bất cẩn, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cụ thể theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 41,8% số vụ tai nạn giao thông và 11% nạn nhân tử vong trong năm 2016 có liên quan đến rượu bia.
“Rượu bia làm giảm 10-30% tốc độ phản ứng của lái xe, giảm khả năng tự chủ dẫn đến gia tăng rủi ro và tai nạn giao thông”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết. Dưới góc độ của một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành giao thông vận tải, ông Hùng cho rằng người Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng và đủ về văn hóa uống và việc uống có trách nhiệm; cách hành xử trong và sau khi uống rượu bia của nhiều người vẫn chưa chín chắn mà mới ở giai đoạn “vị thành niên”.
Từ 2016, Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành kế hoạch quốc gia 5 năm về “Tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ”. Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến trong ý thức của người dân về chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; từng bước hình thành thói quen “Đã uống rượu bia thì không lái xe” cho người tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
N
hiều người vẫn đang hiểu nhầm phải uống say mới không được lái xe. Thực tế chỉ cần uống thức uống có cồn là không nên lái xe. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng: nếu uống một lon bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ tăng thêm 30%.
“Bởi vậy, bất kỳ ai dự định tham gia tiệc tùng và có uống rượu bia nên lựa chọn phương án thay thế để khi uống rồi thì không phải lái xe mà vẫn trở về nhà an toàn. Đó chính là uống có trách nhiệm”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đang được các đơn vị, tổ chức cụ thể hóa thành các chương trình hành động. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, nhà hàng, đơn vị vận tải đã phối hợp tuyên truyền và cung cấp dịch vụ để khách sau khi sử dụng rượu bia không phải tự lái xe về. Nhiều nhà hàng bố trí các điểm để khách gửi lại xe trong trường hợp ra về không tự lái mà sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Ông Hùng cũng dẫn chứng một trường hợp tiêu biểu, đó là chiến dịch “Đã uống rượu bia thì không lái xe” do Heineken phối hợp cùng Uber thực hiện.
Theo ông, đây là một điểm sáng trong việc hưởng ứng cuộc vận động của Uỷ ban. Không bị bắt buộc, cũng không nhận ngân sách từ nhà nước, tuy nhiên hai doanh nghiệp này vẫn tiên phong phối hợp với nhau để bảo vệ khách hàng của mình, đồng thời lan tỏa thông điệp đến cộng đồng.
“Họ là những đơn vị liên quan trực tiếp đến lợi ích của việc kinh doanh rượu bia nhưng vẫn chủ động thực hiện tuyên truyền, thậm chí gửi đi những thông điệp rất mạnh mẽ về việc thưởng thức rượu bia có trách nhiệm”, ông Khuất Việt Hùng đánh giá.
Từ năm 2008, Heineken Việt Nam đã tiên phong phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về ATGT sau khi thưởng thức rượu bia cho người tiêu dùng.
Cụ thể, chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe” của Heineken đã tiếp cận 65 triệu lượt người tiêu dùng trong năm 2016. Năm 2017, bên cạnh các hoạt động truyền thông, Heineken còn mang đến những giải pháp thực tiễn như: cung cấp 80.000 mã Uber miễn phí tại TP.HCM, Hà Nội; tặng 50.000 phiếu đi taxi miễn phí tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Vũng Tàu, Biên Hòa và Cần Thơ để đưa người tiêu dùng về nhà an toàn sau khi uống rượu bia. Heineken còn giới thiệu 46 chiếc xe sang mang tên “Green Ride” tại TP.HCM và Hà Nội nhằm nhắc nhở người tiêu dùng sử dụng phương tiện thay thế sau khi uống rượu bia.
Đánh giá cao chiến dịch này, ông Khuất Việt Hùng cho biết: “Xưa nay chúng ta thường nghĩ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng trong giai đoạn gần đây, có rất nhiều minh chứng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Họ bảo vệ không chỉ khách hàng của mình mà còn cả xã hội. Tôi thấy đó là cách tiếp cận thông minh bởi khi người dân ghi nhận những hành động trên, họ sẽ tin tưởng vào doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của hãng hơn”.
Với tổng đầu tư lên đến 15 tỷ đồng, chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe” năm 2017 đã khẳng định cam kết lâu dài của Heineken trong việc khuyến khích, thúc đẩy văn hóa uống có trách nhiệm trong khuôn khổ chương trình “Thưởng thức Heineken có trách nhiệm” trên toàn cầu.
Theo: Zing News