Tối cuối tuần, 27 học sinh (HS) dè dặt bước vào Trường Đại học Nha Trang để tham gia buổi học tiếng Anh miễn phí đầu tiên dành cho HS nghèo hiếu học.

Hoàn cảnh của các em đều khó khăn: mồ côi cha, mẹ; có em chưa từng biết mặt cha, khắc khoải từng ngày lo mẹ đang điều trị ung thư. Có em không dám mơ được học tiếng Anh bởi cả nhà chỉ trông vào mấy đồng công sửa xe của cha, tiền làm tạp vụ của mẹ. Trong 27 em, có 7 HS Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang đang sống tại Làng SOS Nha Trang.

 Em Nguyễn Thị Ngọc Hiền (thôn Văn Đăng 2, xã Vĩnh Lương, HS Trường THCS Nguyễn Viết Xuân) chia sẻ, cha và mẹ em trước đây làm thợ hồ nuôi 3 chị em và bà nội tàn tật. Năm em học lớp 6, mẹ em bị trật cột sống, vừa rồi lại phẫu thuật khối u; em út bị thiếu máu bẩm sinh; cả nhà đã trải qua những ngày chật vật. Vì vậy, em không nghĩ đến chuyện học thêm tiếng Anh, dù rất thích. Chị Trương Thị Bích Ngọc, mẹ của Hiền bày tỏ: “Đường từ nhà tới trường khá xa, tôi chở cháu đi cũng khó vì bệnh tật. Nhưng dù đi xa hơn nữa, vất vả hơn nữa, tôi vẫn quyết tâm chở con đi học. Phận nghèo, muốn bớt khổ, chỉ có cách cố học giỏi, chúng tôi thường động viên con vậy”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Nguyễn Khánh Huyền (khu Đông Mương, Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, HS Trường THCS Lý Thái Tổ) rưng rưng kể, từ nhỏ tới giờ, em luôn thấy cha ở nhà uống thuốc, gánh nặng dồn hết lên mẹ em, một nhân viên hợp đồng cấp dưỡng ở trường mầm non. Thương cha, mẹ, em chỉ biết đáp đền bằng những tấm giấy khen đạt danh hiệu HS giỏi. Nhà nghèo, nên dù rất thích học tiếng Anh, em cũng không thể đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ hay cơ sở đào tạo tiếng Anh, vì vậy, khả năng giao tiếp tiếng Anh của em rất hạn chế. “Tham gia chương trình, em hy vọng vốn tiếng Anh của mình cải thiện hơn để sau này có cơ hội tìm công việc ổn định chăm lo cho gia đình”, Huyền mong ước giản dị.

Cô và trò trong giờ học đầu tiên

Cô và trò trong giờ học đầu tiên

Chương trình Học bổng tiếng Anh English Access Microscholarship của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2004, đến nay triển khai ở 85 quốc gia với khoảng 95.000 HS có hoàn cảnh khó khăn (có xác nhận) từ 13 đến 20 tuổi tham gia. Tại Nha Trang, chương trình được Trường Đại học Nha Trang phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ tháng 9-2017 đến tháng 8-2019. 27 trong số hơn 30 HS từ 14 đến 16 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá, giỏi trong 2 năm học gần nhất đã vượt qua vòng phỏng vấn để được tham gia khóa học. Mỗi em tham gia học còn được tặng 1 xe đạp. Kết thúc khóa học, các em được cấp chứng chỉ hoàn tất chương trình.

Không khí đầu buổi học chưa sôi nổi bởi các em đều tới lớp với ít nhiều tâm lý tự ti. Có em tự giới thiệu bản thân mà không dám nhìn ai. Nhưng về cuối buổi học, không khí ấm dần lên với phần thi vẽ tranh qua mô tả bằng tiếng Anh của các trưởng nhóm được trực tiếp nhìn tranh mẫu. Tập trung lắng nghe, trao đổi, đưa ý tưởng và thực hiện, 7 nhóm không chỉ hoàn thành 7 bức tranh khá ấn tượng mà còn vượt qua rào cản tâm lý rụt rè ban đầu lúc nào không hay. Các em hào hứng trao đổi, giơ tay phát biểu ý kiến, cười vang khi nhìn lại chi tiết hài hước trong tác phẩm của nhóm mình, thậm chí còn đứng lên, thuyết phục cô cho điểm thưởng về ý tưởng của nhóm. 19 giờ 30, buổi học kết thúc, nhiều em còn nấn ná muốn học nữa.  

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân – Phó Trưởng phòng Hợp tác đối ngoại (Trường Đại học Nha Trang), tại Nha Trang, chương trình Học bổng tiếng Anh English Access Microscholarship hướng tới các HS lớp 8, 9, 10 có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá, giỏi, ham mê học tiếng Anh. Giáo viên đứng lớp là các giảng viên Trường Đại học Nha Trang và giảng viên tình nguyện Đại học George Town (Mỹ). Chương trình cũng mời một số sinh viên nước ngoài tham gia để giúp HS có thêm cơ hội giao lưu, hoạt động nhóm. Với lịch học 2 buổi/tuần, bên cạnh giáo trình American English File series, các giáo viên sẽ trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh cho từng HS; hướng dẫn kỹ năng, lý thuyết và thực hành ngôn ngữ. Song song với đó, các em còn được thực hành vi tính, sinh hoạt ngoại khóa theo chuyên đề, tham gia các chuyến đi thực tế… Với nền tảng tiếng Anh tốt, các em có thể tham gia vào những chương trình học bổng phổ thông, đại học và các chương trình trao đổi khác tại Hoa Kỳ, từ đó mở ra cơ hội học tập và công việc trong tương lai.

Chia tay chúng tôi, Trần Hạ Uyên (đường Tố Hữu, phường Phước Hải, HS Trường THCS Thái Nguyên) tự tin nói: “Hiện tại, kỹ năng tiếng Anh của em còn hạn chế. Nhưng em hy vọng sau khi tham gia chương trình, các kỹ năng của em sẽ được cải thiện để từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch hoặc thông dịch viên, nhà ngoại giao”. Hy vọng, chương trình sẽ tạo đà cho các HS nghèo tiến lên.

HOA NGÂN

Theo: Báo Khánh Hòa