Ra về với bản án 9 tháng tù, có thể với những đối tượng “vào tù ra tội” thì chẳng thấm gì, nhưng với bị cáo P.V.H (sinh năm – SN 1971, trú phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang), đó là chuỗi ngày dài ảm đạm. H. có cuộc sống riêng lận đận. Sau một thời gian chung sống không đăng ký kết hôn với một phụ nữ, có 1 con trai, H. và “vợ” đường ai nấy đi. Một thời gian sau, người phụ nữ này lấy chồng. Nhưng người chồng đó thường xuyên ghen tuông, giở thói vũ phu, hành hạ, đánh đập vợ con, khiến chị này bệnh mà chết. Còn H., sau đó cũng lấy vợ và có 1 con gái, nhưng rồi vợ cũng bỏ đi, để lại đứa con. Ba cha con H. trông cả vào những cuốc xe ôm của H.; gia đình thuộc hộ cận nghèo. Nghèo khó, gặp đối tượng trộm cắp gạ bán xe đạp điện chỉ vài trăm ngàn đồng, chẳng đắn đo, H. mua về cho con trai. Nhưng cho dù chẳng bán lại xe kiếm lời thì việc H. mua xe gian cũng đã thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Hai bị cáo N.T.T.T (SN 1991, trú phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) và L.T.Q.H (SN 1988, trú Vạn Thắng, Nha Trang) lại khác. Ra tòa, cả hai đều thừa nhận hoàn cảnh gia đình không quá quẫn bách. Cùng là nhân viên trong một tiệm vàng, cả hai đều thừa nhận họ được chủ tiệm đối xử tử tế, trả mức lương cao nhất hơn 3 triệu đồng, công việc lại khá an nhàn. Hàng ngày, họ chỉ dán tem lên từng món đồ trang sức rồi bày vào tủ kính và giới thiệu khi khách hỏi mua; việc thu tiền do người khác đảm nhiệm. Bị cáo H. còn thừa nhận, cùng với thu nhập của chồng chừng 4 – 5 triệu đồng/tháng, nuôi một con 3 tuổi, gia đình H. hoàn toàn đủ sống. Nhưng H. chưa thấy đủ. 2 tháng liền, mỗi khi dán tem, thấy xung quanh vắng vẻ, H. lại trộm đồ trang sức của chủ. Sau khi H. nghỉ sinh, không hề “trao đổi kinh nghiệm”, bị cáo T. cũng lặng lẽ tiếp nối chiêu thức của H. để trộm cắp. Tính ra, mỗi bị cáo trộm gần 40 triệu đồng. Trước tòa, H. lí nhí khai nhận bị cáo trộm cắp không phải vì túng thiếu, mà vì thấy việc quản lý quá sơ hở! Nhưng một vị hội thẩm nghiêm khắc: Ra tòa mà bị cáo chưa hối cải, còn đổ tại sơ hở! Chủ tiệm tin tưởng giao hàng hóa cho bị cáo dán tem, bán hàng. Bị cáo đánh mất lòng tin của chủ, sau này đi xin việc, người chủ mới biết được, liệu có dám nhận bị cáo? Lúc này, H. mới cúi đầu khóc, bảo bây giờ không biết ăn nói sao với chồng.
Hai anh thợ sắt cùng trú xã Vĩnh Phương, Nha Trang là T.Đ.N (SN 1997) và H.V.C (SN 1999) cũng phải lãnh án cướp giật tài sản chỉ vì một phút đáng tiếc. Gia đình khó khăn, phải nghỉ học sớm, C. và N. chở nhau đi xin việc làm nhưng chưa được nhận. Trên đường về, thấy một phụ nữ chạy xe máy đằng trước, điện thoại thò ra khỏi túi áo khoác, đột nhiên cả hai không cầm lòng được, áp sát giật luôn, bán lấy 1,6 triệu đồng, lấy ăn uống, đổ xăng hết 100.000 đồng, còn lại đã bị thu giữ. Rất hối hận, ra tòa, cả hai bị cáo tha thiết xin được bồi thường 3,4 triệu đồng giá trị chiếc điện thoại cho người bị hại, mặc dù điện thoại đã được thu hồi trả lại. Từ chối không nhận bồi thường thêm, người bị hại đã ghi nhận thái độ hối lỗi của 2 bị cáo, xin bãi nại. Khi người bị hại từ chối nhận bồi thường, 2 bị cáo lại xin được bồi thường cho người mua điện thoại 1,6 triệu đồng, dù người này không có mặt.
Ban đầu, các bị cáo đều thanh minh phạm tội do hoàn cảnh, do cơ hội ở ngay trước mắt. Nhưng cuối cùng, họ đều thừa nhận, tất cả do lòng tham xui khiến. Có lẽ các bị cáo đã không nhận ra, hoàn cảnh sơ hở, nếu có, cũng chỉ để thử thách con người.
TAM THUẬT
Theo: Báo Khánh Hòa