Du khách đến Nha Trang, Khánh Hòa muốn viếng thăm di tích và danh lam thắng cảnh, không thể không đến ngôi chùa Long Sơn tự – một đại danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất của Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Long Sơn tự - biểu tượng xứ trầm hương.

Long Sơn tự – biểu tượng xứ trầm hương.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Chùa Long Sơn, dân gian hay gọi là chùa Phật Trắng, tọa lạc dưới chân núi Trại Thủy, số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do Hòa thượng Thích Ngộ Chí dựng trên núi Trại Thủy (xưa còn có tên là núi con Dơi) vào năm 1886, tên là chùa Đăng Long.
Năm 1900, sau một trận bão lớn, Hòa thượng Thích Ngộ Chí quyết định dời xuống chân núi, dựng lại chùa ở vị trí bây giờ và trụ trì tại đây cho đến cuối đời. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, mở rộng…, chùa Long Sơn ngày càng bề thế, khang trang và từng được vua Bảo Đại sắc phong “Sắc tứ Long Sơn tự”.
Năm 1936, theo di nguyện của sư Ngộ Chí, chùa được tiến cúng cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa, đến nay vẫn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh.
Năm 1940, chùa được Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Cư sĩ Võ Đình Thụy vận động tổ chức trùng tu. Đến năm 1968, chùa lại bị hư hỏng. Từ năm 1971 đến năm 1975, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra lo việc trùng tu chùa. Việc trùng tu mới thực hiện được quá nửa theo bản vẽ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.
Kiến trúc hiện nay của ngôi chùa không có gì cổ kính. Tuy nhiên, sự hoành tráng trong quy mô xây dựng, sự to lớn của những pho tượng thờ ở nội và ngoại thất, cùng với cảnh quan thiên nhiên đậm chất phong thủy đã tạo nên sự nổi tiếng và hấp dẫn của ngôi chùa.
Chính điện chùa rộng gần hai nghìn mét vuông. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Án chính thờ tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp, tượng bằng đồng, cao 1,6m, nặng 700 kg; hai bên có phù điêu Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí.
Các bàn thờ phía trước tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, Bồ tát Di Lặc và Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Đặc biệt trong điện Phật có đặt cặp nến lớn, mỗi cây nặng 900 kg, cao 3,4 m do nghệ nhân Thượng tọa Thích Hiển Chơn thực hiện.
Muốn dâng hương trước Kim Thân Phật Tổ, phải đi qua 193 bậc tam cấp. Ở bậc thứ 44, chùa tôn trí pho tượng lộ thiên đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn được xây dựng vào năm 2003. Tượng có chiều dài 7m, cao 5m, phía sau là bức phù điêu mô tả chư vị tỳ kheo đang niệm Phật.

Tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn.

Tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn.

Lên vài bậc cấp nữa là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2m, nặng 1.500 kg. Ở đỉnh đồi là pho tượng đức Phật Thích Ca (thường gọi là tượng Phật trắng) do Thượng tọa Thích Đức Minh, bấy giờ là Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, và điêu khắc gia Phúc Điền – Bùi Văn Thêm tổ chức thực hiện vào hai năm 1964-1965.
Phật đài có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m, đường kính đài sen 10m, phần tượng Kim thân Phật tổ cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời.
Chung quanh đế Phật đài có hình 7 vị Thánh tử đạo. Trước Phật đài có cặp rồng dài 7,2m hai bên thành bậc cấp dẫn lên Phật đài. Từ đỉnh đồi, có đường đi qua viếng chùa Hải Đức, là một ngôi chùa danh tiếng ở Nha Trang.

Tượng Thích Ca Phật đài.

Tượng Thích Ca Phật đài.

Tháp chuông.

Tháp chuông.

Người dân Nha Trang có câu: “Ai về ngắm cảnh Khánh Hoà/Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên/Kim thân Phật tổ nhớ lên/Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời”. Câu ca dao len nhẹ lòng người, dẫn dắt bước chân du khách hành hương lên đồi Trại Thủy vãn cảnh chùa, chiêm bái Kim Thân Phật Tổ và ngắm nhìn Nha Trang vươn dài theo mép biển, mới hiểu vì đâu người xưa nói rằng, vùng đất này là nơi “tứ thủy triều qui, tứ thú tụ”.
Một lần vãn cảnh chùa, chiêm bái Kim Thân Phật Tổ, sẽ cắt nghĩa được vì sao người Nha Trang – Khánh Hòa khẳng định Long Sơn tự là một trong những biểu tượng đẹp của xứ trầm hương.

T.H / cinet.vn