Tình trạng doanh nghiệp (DN) và lao động người nước ngoài lách luật để làm việc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tạo ra nhiều sự bất cập, khó khăn trong công tác quản lý đối tượng này.
Lắm chiêu lách luật
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 733 người nước ngoài đang làm việc tại các cơ quan, DN đã được cấp giấy phép lao động. Trong đó, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp 159 giấy phép, Sở LĐ-TB-XH cấp 574 giấy phép. Đây là những trường hợp nằm trong diện quản lý, còn trên thực tế có rất nhiều lao động người nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường du lịch rồi ở lại làm việc không phép. Đa số những người này làm việc ở các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Khi các ngành chức năng đến kiểm tra thì những người lao động không phép này “biến” thành khách hàng. Phần lớn những đơn vị sử dụng lao động nước ngoài không phép là những cơ sở nhỏ, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Do sự thiếu hụt lao động Việt Nam biết ngoại ngữ nên chủ cơ sở tuyển những lao động nước ngoài vào làm việc chui. Có nhiều trường hợp, khi lực lượng Công an tỉnh kiểm tra nơi ở, phát hiện visa hết hiệu lực đã nhiều năm.
Ông Nguyễn Thành Sơn – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Việc làm, An toàn lao động Sở LĐ-TB-XH cho biết, tình trạng DN và người lao động nước ngoài lách luật để làm việc trên địa bàn tỉnh gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo quy định, với lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam làm việc chỉ cần có giấy xác nhận của cơ quan, DN tại nước đó là được cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, có nhiều lao động nước ngoài có đủ giấy xác nhận nhưng thực tế lại không có bằng cấp, kinh nghiệm, không phải là chuyên gia kỹ thuật, giám đốc điều hành. Số lao động này sang Việt Nam đều làm những công việc giản đơn. Chiêu thức lách luật này của DN nhằm trách né quy định phải ưu tiên tuyển lao động Việt Nam.
Đặc biệt, theo quy định, người nước ngoài là thành viên góp vốn sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách này, nhiều DN, người lao động nước ngoài chỉ góp từ 1 đến 10 triệu đồng là có thể xin xác nhận không phải cấp giấy phép để làm việc. Hồ sơ xác nhận lại khá đơn giản, chỉ cần hộ chiếu và giấy chứng nhận thành viên tham gia góp vốn là đã đủ. Từ đó, gây khó khăn cho công tác quản lý và thẩm định hồ sơ; ngành chức năng không thể phát hiện được người nước ngoài có mắc bệnh truyền nhiễm, có án tích. Vụ việc tháng 7-2017, Công an tỉnh đã bắt Bering Ekateria (người Nga) – một tội phạm bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã từ năm 2015 là một lời cảnh báo. Ekateria đến Nha Trang xin vào làm nhân viên tại một spa trên đường Hùng Vương. Để làm việc hợp pháp, Ekateria đã góp vốn với chủ cơ sở spa và xin không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Thủ tục đầy đủ nên ngành chức năng buộc phải xác nhận cho Bering Ekateria…
Cần sửa đổi quy định cho phù hợp
Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, tình trạng DN, lao động người nước ngoài lách luật theo hình thức góp vốn đang có chiều hướng tăng mạnh và diễn biến khá phức tạp. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 24 trường hợp thì năm 2016 tăng lên 166 trường hợp, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 161 trường hợp. Đa số những người này thuộc các nước như: Nga, Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc. “Điều đáng lo ngại nhất là các đối tượng tội phạm quốc tế lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để lẩn trốn, sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi quy định pháp luật về thành viên góp vốn là người nước ngoài theo hướng phải có mức cụ thể từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cần quy định bổ sung thêm giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp của từng người. Có như vậy, mới tránh được những lao động nước ngoài vào Việt Nam làm lao động phổ thông; tạo sự chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh được rủi ro của những người bị bệnh truyền nhiễm, sự lợi dụng của tội phạm quốc tế”, ông Tri cho hay.
Tại buổi làm việc mới đây, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) yêu cầu: Sở LĐ-TB-XH nắm lại tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại các nhà thầu xây dựng; tăng cường công tác tuyên truyền về những quy định của pháp luật trong sử dụng, quản lý lao động người nước ngoài; thẩm định chặt chẽ công việc mà DN có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài; xây dựng phương án đào tạo, cung ứng lao động cho các DN nhằm hạn chế DN tuyển lao động nước ngoài. Về Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, cần điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế và nói rõ hơn trách nhiệm của mỗi ngành. |
Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay, công tác phối hợp giữa các sở, ngành vẫn chưa được thường xuyên và chặt chẽ. Người nước ngoài vào tỉnh mua bán hải sản với thời gian dài chưa được kiểm tra, quản lý. Một số lĩnh vực mới như: dạy yoga, thần học đã xuất hiện người nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhưng hiện nay không biết thuộc ngành nào quản lý. Do đó, các ngành chức năng chưa thực hiện kiểm tra, thẩm định và cấp giấy phép lao động. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần sớm có chỉ đạo cụ thể cho ngành chức năng để thực hiện thẩm định, kiểm tra, quản lý. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung vào Quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, tạo sự chặt chẽ hơn.
Ông Văn Đình Tri cho biết, để quản lý tốt lao động người nước ngoài rất cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng trong việc thẩm định kỹ lưỡng về vị trí việc làm của các DN khi tuyển dụng lao động nước ngoài. Chính quyền địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hơn khi người ngoài đăng ký tạm trú, tạm vắng. Đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị, DN sử dụng lao động nước ngoài sang Việt Nam bằng con đường du lịch, bao che cho lao động nước ngoài làm việc chui…
PHÚ VINH
Theo: Báo Khánh Hòa