7 năm trước, tôi đã tìm đến nơi này và thật sự ngạc nhiên trước một rừng hoa mai trong phố, được chủ nhân chăm sóc và mở cửa cho khách tham quan. Khi ấy, mọi người quen với tên gọi “Vườn mai Trường Sơn” và từ đó nao nức đợi vào những ngày cuối năm, vườn mai (số 8 Trường Sơn, Nha Trang) mở cửa để tìm tới dạo chơi, ngắm nhìn và tận hưởng. Với tổng diện tích rộng gần 20.000m2, nơi đây đã trở thành một vườn hoa đa sắc trong phố với biết bao giống hoa được gây trồng, rực rỡ cả một góc trời, từ những gốc hoa mai quý cho đến hoa hướng dương, hoa hồng, hoàng yến…



TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Đường vào làng nghề
Đường vào làng nghề

Nay, nơi này có tên gọi: “Làng nghề Trường Sơn”. Làng nghề đã chính thức được cấp phép hoạt động và thực sự trở thành một nơi giới thiệu các nghề truyền thống, do chính những nghệ nhân tâm huyết và những công nhân yêu nghề, bằng đôi tay của mình, tạo ra những sản phẩm bằng mây đa dạng, độc đáo và bằng gỗ xuất khẩu khắp mọi nơi. Trong bối cảnh dịch Covid-19, dự định mở cửa cho khách tham quan vào dịp lễ và kỳ nghỉ hè đành tạm gác. Thế nhưng, bằng một cách khác, ngày 30-4, làng nghề tổ chức livetream không gian hoa và nghề để mọi người có thể ngắm nhìn.


Mùa này, có 2.000 cây hoa hướng dương đang nở. Hoa hướng dương chao vàng cả một không gian, cứ nghiêng chao theo ánh nắng mai. Ngay con đường đi vào ngợp màu vàng kiêu sa đến lạ. Khi đi trên con đường này, tôi không vội bước, như thể để ngắm những bông hoa đẹp. Một con đường khác, tạm gọi là con đường hoa hồng phía sau ngôi nhà gỗ đẹp, nơi trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ. Giàn bầu với những trái bầu khô – sẽ được dùng để chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo – đan xen những chùm nho đang xanh trái. Hai bên con đường là hoa hồng. Ông Luật, Giám đốc làng nghề nói với tôi rằng mùa này trồng hoa hồng ở Nha Trang rất khó, nhưng hoa nở rất đẹp. Hoa hai bên lối đi đưa tới tác phẩm trống đồng Đông Sơn đan bằng sợi tổng hợp, đường kính 4 mét. Những tác phẩm bằng sợi tổng hợp ấy, cứ mỗi năm, theo năm con gì thì tại đây lại tạo ra linh vật đó: Tí, Sửu, Dần, Mẹo… Cứ thế, làng nghề đã đủ 12 con giáp, giống như chúng đang canh giữ nơi này.



Trống đồng Đông Sơn đan bằng sợi tổng hợp
Trống đồng Đông Sơn đan bằng sợi tổng hợp



Các linh vật bằng sợi tổng hợp
Các linh vật bằng sợi tổng hợp

Có những nghệ nhân vì yêu mà đến làng nghề, đem tác phẩm của mình trưng bày. Đó là họa sĩ Lê Vũ, người tạo ra các bức chân dung những người nổi tiếng, 8 bức họa tâm linh. Đó là nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, người đam mê tìm tòi và làm mới nghề gốm Lư Cấm (Nha Trang). Anh đem sự rung cảm cùng gốm tạo không gian riêng ở nơi này. Nghệ nhân tranh cát Trần Thị Thu, chủ nhân phòng tranh cát Hồng Châu Sa cũng tới đây tạo tác phẩm tranh cát của mình. Nghệ nhân Nguyễn Đình Huấn giới thiệu những viên đá cảnh, gỗ lũa ông dày công sưu tập cả nửa thế kỷ. Ở đó, chúng ta cũng bắt gặp nghệ nhân Nguyễn Yến tạo ra những con tò he thật thú vị, hay các tác phẩm hoa đất sét của nghệ nhân Phạm Thị Thanh Trà…



Khúc gỗ xoan khắc tên làng nghề
Khúc gỗ xoan khắc tên làng nghề

Không phải chỉ minh họa, tại Làng nghề Trường Sơn tạo ra một không gian mở cho các nghề truyền thống của tỉnh. Nghề đan và vá lưới có ở những làng biển, tới đây, khách được chứng kiến sự kỳ công để tạo nên một tấm lưới. Rồi nghề chằm nón, nghề dệt chiếu, làm mỹ nghệ bằng những con ốc biển, vỏ bầu khô, hay từ những chiếc lá dừa thắt ra những con thú xinh xinh, những sợi tổng hợp cũng biến thành những tác phẩm nghệ thuật.



Giàn bầu
Giàn bầu

Ở trong vườn hoa nở đó, ở những xôn xao của gió lan tỏa mùi hương thơm của biết bao nhiêu đóa hoa. Làng nghề Trường Sơn đã, đang và sẽ là nơi giữ gìn bản sắc Việt.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/diem-du-lich/202004/lang-nghe-truong-son-noi-luu-giu-ban-sac-viet-8161327/