Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia được thả ra ngoài môi trường. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/3, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam vừa tổ chức Lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (sốt xuất huyết) tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang.

Được sự đồng thuận của người dân địa phương, đây là lần đầu tiên muỗi vằn mang Wolbachia được thả trên đất liền với kỳ vọng đạt được kết quả tích cực như dự án thí điểm thả muỗi ở xã Vĩnh Lương, từ đó nhân rộng ra các tỉnh thành khác.

100% hộ gia đình đồng ý thả muỗi vằn Wolbachia

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Giáo sư Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, phương pháp Wolbachia cũng như kết quả đồng thuận của người dân địa phương. Theo kết quả lấy phiếu đồng thuận ở 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên, 100% hộ gia đình đã đồng ý với việc thả muỗi vằn mang Wolbachia tại khu vực.

[Anh hỗ trợ Việt Nam 190 tỷ đồng để dự báo dịch sốt xuất huyết]

Sau khi dự án thí điểm thả muỗi Wolbachia ở đảo Trí Nguyên kết thúc với những kết quả khả quan, từ năm 2015, dự án đã bắt đầu các nghiên cứu mô tả tình hình sốt xuất huyết, đặc điểm quần thể muỗi và cộng đồng dân cư tại Nha Trang, đồng thời làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị đối tác và hôm nay bắt đầu triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia trên đất liền tại xã Vĩnh Lương.

Giáo sư Đặng Đức Anh nhấn mạnh, phương pháp này không chỉ giúp khống chế dịch sốt xuất huyết ở Vĩnh Lương mà sẽ còn được nhân rộng ở các địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành trên toàn quốc.

Cũng tại buổi lễ, bà Megan Woolfit – chuyên gia đến từ Đại học Monash (Australia), đơn vị tài trợ Chương trình Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam chia sẻ, chương trình của đã có thời gian dài cùng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Trên thực tế, vào năm 2006 Việt Nam là nước đầu tiên tham gia cùng Australia triển khai các nghiên cứu để ứng dụng phương pháp này trong cộng đồng.

Kể từ đó đến nay Chương trình đã có những bước tiến lớn với tổng số 11 nước trên thế giới đã tham gia chương trình, với mục tiêu làm giảm lây truyền sốt xuất huyết Dengue, Zika và các bệnh khác truyền qua muỗi vằn.

“Kể từ khi kết thúc thả muỗi mang Wolbachia trên đảo Trí Nguyên vào năm 2014, các đối tác của chúng tôi thực hiện Dự án tại Việt Nam, gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hoà đã rất thận trọng chuẩn bị cho việc thả muỗi mang Wolbachia lần đầu tiên trên đất liền tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến bước tiến triển mới này của Dự án tại Nha Trang, ” bà Megan Woolfit bày tỏ.

Bà Megan Woolfit – chuyên gia đến từ Đại học Monash tham gia thả muỗi tại Nha Trang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay trong buỗi lễ, các đại biểu đã cùng với cán bộ Dự án tiến hành thả muỗi vằn mang Wolbachia nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng tại thôn Võ Tánh 1, tiếp đó đội ngũ cán bộ thực địa của dự án tiếp tục thực hiện việc thả muỗi tại các điểm khác thuộc 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương để hoàn thành đợt thả đầu tiên trong buổi sáng ngày 6/3/2018.

Trong 12-18 tuần tiếp theo, cứ mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ.

Ông Võ Phước Tiến – một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi đã thấy tận mắt mấy anh chị Dự án cho tay vào lồng muỗi cho mấy trăm con muỗi chích cùng lúc. Chúng tôi hiểu rằng để có được giống muỗi lành giúp phòng bệnh cho dân, các nhà khoa học và cán bộ Dự án đã phải làm việc rất nghiêm túc và mất rất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị cho ngày hôm nay. Tôi thấy rất yên tâm, ủng hộ Dự án và tin tưởng rằng những con muỗi lành của Dự án sẽ giúp khống chế dịch sốt xuất huyết.”

Wolbachia là loại vi khuẩn như thế nào?

Theo một đại diện của Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam, Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thì lại không có vi khuẩn này).

Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi chúng có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), virus Zika và một số loại vi virus khác truyền qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi rút gây bệnh sang người.

Một đặc điểm rất có ích là vi khuẩn Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung,” do đó duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên, mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng.

Đáng lưu ý, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên./.

Theo: Viet Nam Plus