Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản, nhất là đối với tàu cá xa bờ đang là nỗi lo thường trực của các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thậm chí một số chủ tàu không thể đi biển vì không có bạn tàu. Chuyện thiếu lao động nghề biển là do điều kiện làm việc khó khăn, vất vả nhưng thu nhập không cao.

Thiếu bạn tàu vẫn ra khơi

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Cứ mỗi lần cho tàu cá vươn khơi, các chủ tàu xuất phát ở cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) lại chạy đôn, chạy đáo để tìm lao động. Qua trao đổi với các chủ tàu, rất nhiều tàu cá ra khơi trong điều kiện không đủ lao động, chỉ những vị trí thuyền trưởng, máy trưởng buộc phải có, còn lại số lượng thuyền viên đều thiếu. Ông Nguyễn Phi Long – chủ tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Để có người làm, chủ tàu phải ứng trước tiền công chuyến biển cho bạn tàu; sau mỗi chuyến biển, trừ chi phí, lãi còn bao nhiêu thì chủ tàu chia lại 40% cho các bạn tàu nhưng vẫn rất khó giữ chân người lao động. Đã có nhiều trường hợp, bạn tàu nhận tiền ứng trước của nhiều chủ tàu nhưng không đi làm cho tàu nào. Vì thế, để có thêm lao động, nhiều chủ tàu chấp nhận những lao động chưa có kinh nghiệm hoặc huy động người nhà đi biển dù họ đã lớn tuổi”.



Hiện thu nhập của các lao động đi biển khai thác thủy sản không cao.

Hiện thu nhập của các lao động đi biển khai thác thủy sản không cao.



Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý – Khai thác các công trình thủy sản tỉnh, kiêm Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết: “Trung bình mỗi chuyến biển, có khoảng 150 tàu cá xuất bến từ cảng Hòn Rớ đi khai thác. Tuy nhiên, chuyến biển tháng 2 này, có khoảng 30-40% tàu cá nằm bờ. Bên cạnh nguyên nhân chi phí chuyến biển tăng do giá nhiên liệu tăng cao, sản lượng khai thác thấp, giá bán giảm thì một phần là chủ tàu không tìm được lao động để cho tàu ra khơi khai thác. Có những tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to cần 6 lao động nhưng có 4 lao động vẫn phải đi; những tàu lưới rê, lưới vây khơi khai thác cá ngừ vằn cần 12 người nhưng khi tìm được 8 – 9 lao động là chủ tàu vẫn ra khơi”.

Tìm cách giữ chân lao động


Một số lao động từ tỉnh Quảng Ngãi đến làm việc trên các tàu cá của tỉnh mà chúng tôi gặp ở cảng Hòn Rớ cho hay: Trước đây, có rất nhiều lao động phổ thông từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đến làm việc trên các tàu cá của tỉnh Khánh Hòa. Điều kiện làm việc trên biển phải đối diện với rất nhiều vất vả, hiểm nguy, xa nhà dài ngày, trong khi thu nhập không cao, ngoài phần tiền công chủ tàu ứng trước khoảng 5 triệu đồng/người/chuyến, bạn tàu chỉ trông chờ vào phần ăn chia với chủ tàu khi có lợi nhuận. Thời gian qua, nhiều chuyến biển chủ tàu thua lỗ, không có lợi nhuận, bạn tàu cũng không được chia, hoặc chủ tàu chỉ hỗ trợ một phần nhỏ để giữ chân lao động. Đây là nguyên nhân nhiều lao động ở tỉnh khác bỏ nghề đi biển, về quê tìm kiếm việc làm khác.


Thực tế, lao động nghề biển phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; so với những ngành nghề khác trên bờ công việc thuận lợi hơn, thu nhập cũng khá cao nên đã có sự chuyển dịch lao động nghề biển sang các ngành nghề khác. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ, ngư cụ khai thác hiện đại trên các tàu cá vẫn chưa nhiều nên các tàu cá vẫn cần nhiều lao động trong mỗi chuyến biển. Để giữ chân lao động nghề biển phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập, điều kiện làm việc cho người lao động, muốn vậy phải nâng cao được hiệu quả chuyến biển.


Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Trong định hướng phát triển ngành khai thác thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh, ngành khai thác thủy sản sẽ giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả khai thác. Điều này đồng nghĩa với nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nghề biển. Cùng với đó, khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học công nghệ, ngư cụ, trang thiết bị hàng hải hiện đại trên các tàu khai thác để giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho lao động khai thác thủy sản. Trước thực trạng chuyển dịch lao động nghề biển như hiện nay, cần phải có chính sách để thu hút, đào tạo lao động nghề biển; ổn định đời sống, thu nhập của ngư dân”.



Toàn tỉnh có gần 3.200 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó có 683 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản ở vùng xa bờ. Ngành khai thác thủy sản đã tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó có khoảng 10.000 lao động trực tiếp khai thác trên các tàu xa bờ.


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202302/lai-thieu-lao-dong-nghe-bien-8276227/