Ngày 25-12, Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2018. Tham dự hội nghị có hơn 40 DN.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong năm 2018, Sở Du lịch đã tổ chức nhiều khóa tập huấn phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động lữ hành, tuy nhiên các DN lữ hành còn khá nhiều sai sót. Nhiều DN không thực hiện việc lập, lưu trữ hồ sơ tài liệu theo quy định, không thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hầu hết DN phục vụ khách du lịch Nga, Trung Quốc và khách tàu biển ký hợp đồng với DN lữ hành cung cấp khách, chứ chưa có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch. Nhiều DN sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên (HDV) du lịch để hướng dẫn khách, nhất là các DN lữ hành phục vụ khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, các DN sử dụng phương tiện vận tải thủy không có biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; sử dụng người lái phương tiện, nhân viên phục vụ không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch; trách nhiệm quản lý khách du lịch còn hạn chế, khi có sự cố xảy ra thì giao phó cho HDV giải quyết vụ việc…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đặc biệt, nhiều DN kinh doanh dịch vụ lữ hành đón khách Trung Quốc có nhiều vi phạm trong việc kê khai giá, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, trong thời gian qua, nhiều DN khi liên doanh liên kết, làm tour cho các đối tác nhưng không cung cấp được hợp đồng, không thể hiện rõ doanh thu lữ hành nên không thể tính thuế. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh đã xử phạt và truy thu thuế ở một số đơn vị. Về vấn đề này, ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch lưu ý, theo Luật Du lịch, thực hiện đón khách tour nào phải có hợp đồng tour đó. Việc DN cung cấp cho cơ quan quản lý hợp đồng ghi nhớ hợp tác trong 1 năm, không rõ đón bao nhiêu khách, đi tour những đâu là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, việc DN chỉ cung cấp hợp đồng đặt, bán phòng, chỉ khai báo doanh thu về mức chênh lệch giá phòng lưu trú, còn lờ đi doanh thu, lợi nhuận từ việc tổ chức tour là sai phạm, có dấu hiệu trốn thuế.

vvvv

Khách du lịch Trung Quốc tăng nhanh dẫn đến thiếu hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung.

Nhiều ý kiến đề nghị tháo gỡ vướng mắc

Tại hội nghị, ông Trương Văn Thọ – Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần chater Du lịch Việt Nam tại Nha Trang cho biết, với lượng khách tăng nhanh như thời gian qua, không có công ty nào có đầy đủ HDV có thẻ. Vì vậy, đề nghị Sở Du lịch “linh động” giải quyết cho một số phiên dịch viên đã học xong chứng chỉ nhưng chưa đủ điều kiện để cấp bằng, cấp thẻ HDV được phép hành nghề. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, việc cấp thẻ HDV du lịch phải thực hiện theo quy định. Để giải quyết tình trạng thiếu HDV ngoại ngữ hiếm, hiện nay Tổng cục Du lịch cho phép DN sử dụng HDV người Việt, kết hợp với phiên dịch viên để thay thế. Lãnh đạo Sở Du lịch gợi ý, các DN lên lịch trình tour rõ ràng, có thể đề nghị những đoạn di chuyển giữa các khách sạn, đưa khách ra sân bay, đưa khách đến điểm tập kết để đi tour có thể không cần phải sử dụng HDV để cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Ông Đỗ Thành Quân – Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên Việt Nam phản ánh, hiện nay, có quy định tại khu vực Nhà thờ Chánh Tòa chỉ được đậu 2 xe, mỗi xe đỗ không quá 5 phút để đón, trả khách. Điều này gây khó khăn cho các công ty lữ hành. Để đối phó, các công ty phải cho xe chạy lòng vòng gây nên tình trạng kẹt xe. Ông Quân cũng như một số DN khác đề xuất cho phép sử dụng Nhà Thiếu nhi làm bãi đỗ xe tạm thời. Bên cạnh đó, các DN lữ hành phục vụ khách Trung Quốc phản ánh, lực lượng chức năng của ngành Giao thông liên tục kiểm tra các xe chở khách đã ảnh hưởng đến thời gian tour tuyến. Đồng tình với ý kiến này, ông Trung đề nghị ngành Giao thông nên hạn chế kiểm tra xe vận chuyển khách du lịch, bởi việc kiểm tra liên tục sẽ ảnh hưởng đến lịch trình tour, gây khó chịu cho du khách. Đại diện Công an tỉnh cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo để phối hợp với Sở Du lịch giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Ông Nguyễn Quang Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours cho biết, gần đây, việc đưa khách tàu biển đến tham quan ở chùa Long Sơn gặp khó khăn. Mặc dù đã thông báo đến UBND TP. Nha Trang và UBND phường Phương Sơn, nhưng ngày 13-12, khách của công ty đã bị bảo vệ chặn lại không cho vào chùa, công ty phải nhờ can thiệp mới được vào. Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Nha Trang ghi nhận phản ánh trên, tuy nhiên cũng lưu ý với các DN: Nhà thờ Chánh Tòa, chùa Long Sơn là những cơ sở tôn giáo chứ không phải điểm du lịch chính thức. Các DN có thể đưa khách đến đây, nhưng cần phải lưu ý với khách về cách thức ăn mặc, đi đứng cho phù hợp…

Kết luận hội nghị, ông Trần Việt Trung yêu cầu các DN kinh doanh cần tăng cường liên kết, thống nhất về giá cả dịch vụ, hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực để làm tốt việc phục vụ du khách đến Khánh Hòa. Ông cũng đề nghị từ nay đến ngày 31-12, các DN tiếp tục nghiên cứu các quy định, nếu có vướng mắc thì gửi ý kiến đến Sở Du lịch để sở chuyển đến UBND tỉnh, các ngành chức năng xem xét giải đáp, tháo gỡ. Sang năm 2019, Sở Du lịch sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh dịch vụ lữ hành.

XUÂN THÀNH


Theo lãnh đạo Sở Du lịch, năm 2018, hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển tốt. Công tác xúc tiến du lịch được quan tâm, có nhiều đổi mới, sáng tạo về hình thức và phương thức tổ chức đạt hiệu quả tích cực. Ước tính Khánh Hòa đã đón 6,3 triệu lượt khách lưu trú, tăng 15,6% so với năm 2017. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 27,75%.

______________________________________________

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 128 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 78 DN lữ hành quốc tế, 50 DN lữ hành nội địa. Sở Du lịch đã cấp 1.206 thẻ HDV, trong đó có 404 HDV nội địa, 802 HDV quốc tế (456 tiếng Trung, 225 tiếng Anh, 85 tiếng Nga…).