Nghị định (NĐ) 139 của Chính phủ ra đời thay thế NĐ 180 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đã làm hạn chế cho UBND cấp xã trong việc xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Sau 4 năm áp dụng, NĐ này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm sửa đổi.

Thẩm quyền cấp xã bị hạn chế

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Thời gian qua, trên địa bàn xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) liên tục xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng. Các khu vực như đất công ích ở thôn Phước Lộc, quy hoạch Khu liên hợp thể thao tỉnh ở thôn Phước Lợi… có hàng chục căn nhà xây dựng trái phép và đã có người vào ở. Đó là chưa kể rất nhiều công trình xây dựng trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm, không phù hợp quy hoạch…


Trong khi đó, tại phường Phước Long (TP. Nha Trang), từ năm 2018 đến nay, có hàng trăm căn nhà xây không phép trong khu quy hoạch dự án dân cư. Tuy cán bộ đô thị của phường phát hiện, lập biên bản nhưng do không xử lý cưỡng chế nhanh được như quy định cũ (NĐ 180) nên các đối tượng vẫn lén lút hoàn thiện, đưa công trình vào sử dụng.


Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho rằng, NĐ 139 (có hiệu lực năm 2018) đã hạn chế rất nhiều thẩm quyền của cấp xã trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đây, UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn, đình chỉ thi công, cắt điện, nước. Tuy nhiên, theo quy định của NĐ 139 thì UBND xã, phường chỉ lập biên bản vi phạm và gửi UBND TP. Nha Trang báo cáo, kiến nghị xử lý. Quy trình xử lý phức tạp, kéo dài đã tạo điều kiện cho các đối tượng hoàn thành công trình vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý về sau.



Một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang.

Một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang.


Còn theo ông Ngô Khắc Thinh – Quyền Chủ tịch UBND phường Phước Long, quy định tại NĐ 180 cho phép UBND cấp xã có quyền tháo dỡ nhanh công trình vi phạm, còn NĐ 139 đã “khóa” hết các quyền xử lý nhanh của cấp xã, phải trình lên cấp thành phố hoặc cấp tỉnh. Luật Xây dựng yêu cầu phải xử lý nhanh, chính xác, kịp thời, nhưng NĐ 139 lại làm trì trệ công tác xử lý. “NĐ 139 quy định hành vi vi phạm không xác định được chủ thể thì cấp tỉnh xử lý, còn xác định được chủ thể thì thành phố xử lý. Tuy nhiên, làm gì có vi phạm mà không xác định được đối tượng vi phạm? Chính quyền cấp xã khi phát hiện công trình vi phạm, mời một vài lần mà không có ai lên nhận thì báo cáo với cấp trên là “không xác định đối tượng” cho nhanh. Đó là cách làm đối phó, nên theo tôi cần bỏ luôn khái niệm này”, ông Thinh nói.

Kiến nghị sửa đổi



Dự thảo NĐ thay thế NĐ 139 có quy định, Thanh tra Sở Xây dựng có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quảbuộc phá dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Thanh tra Sở Xây dựng không có bộ máy để thực hiện cưỡng chế, cũng không có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan y tế, công an, UBND các cấp trong quá trình thực hiện cưỡng chế. Do vậy, Sở Xây dựng đã kiến nghị: Để tạo thuận lợi trong công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, cần xem xét, bổ sung thẩm quyền của Chánh Thanh ra Sở Xây dựng được quyền giao cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo quyết định cưỡng chế của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng.

Ông Trần Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa hiệu quả đối với các trường hợp chây ì, chống đối, cố tình vi phạm. Việc áp dụng NĐ 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc, nhiều quy định xử phạt chưa có tính răn đe, chưa đủ mạnh. Việc xử phạt vi phạm hành chính chưa quan tâm đến tính chất, mức độ, quy mô của hành vi vi phạm để áp dụng mức xử lý phù hợp.


Mới đây, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo NĐ thay thế NĐ 139 của Chính phủ. Theo Sở Xây dựng, quá trình áp dụng, thực hiện NĐ 139, sở và các địa phương gặp một số vướng mắc trong công tác xử lý, xác định hành vi vi phạm. Vì vậy, sở kiến nghị NĐ mới quy định cụ thể đối với hành vi “xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng” là áp dụng đúng với trường hợp nào, bởi quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch khu chức năng. Do vậy, sở đề nghị xem xét quy định việc áp dụng xử lý vi phạm xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng chỉ áp dụng đối với trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng.


Sở Xây dựng cũng đề nghị bổ sung biện pháp chế tài cụ thể để buộc chủ đầu tư và đơn vị thi công đình chỉ thi công, chấm dứt ngay hành vi vi phạm và tự giác phá dỡ công trình vi phạm. Đồng thời, để tăng tính răn đe, sở đề nghị xem xét áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” (nếu có) đối với chủ đầu tư; tước quyền sử dụng chứng chỉ năng lực hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với đơn vị thi công là tổ chức; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân liên quan.


VĂN KỲ

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202110/kien-nghi-sua-doi-quy-dinh-xu-ly-vi-pham-ve-xay-dung-8232336/