Những năm qua, việc trồng khoai sáp của người dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) gặp không ít khó khăn, nhiều người đã bỏ trồng khoai quay về lại với cây lúa.
Về xã Cam Hòa, vùng trồng khoai sáp chính của người dân Cam Lâm, chúng tôi chứng kiến nhiều mảnh ruộng trước đây trồng khoai sáp hiện nay đã bỏ hoang. Chủ ruộng cho biết, họ đang cải tạo đất để quay lại trồng lúa, vì cây khoai những năm gần đây phát triển không ổn định khiến người trồng lao đao.
Bà Phan Thị Sen (thôn Lập Định 2) cho biết, 3 năm trở lại đây, việc trồng khoai sáp gặp rất nhiều khó khăn, 1ha khoai sáp của nhà bà không mang lại lợi nhuận, thậm chí còn thua lỗ. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, những năm gần đây bị mưa lũ, cây khoai chịu nhiều ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khoai thường xuyên bị thối củ rồi chết cây không rõ nguyên nhân.
Có ruộng khoai ở xã Cam Hòa, làm ăn không hiệu quả, ông Đinh Phạm Công Nguyên (thôn Lập Định 2) về xã Cam Tân thuê 3 sào ruộng để trồng khoai nhưng cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông Nguyên cho biết: “Ruộng khoai mới được 3 tháng đã thối củ, chết hơn 50%. Lứa khoai trước cũng không có năng suất. Khoai hiện có giá 15.000 đồng/kg, nhưng đó là khoai hơn 7 tháng, củ lớn, đẹp.Chúng tôi chỉ có khoai bị hư một phần nên bán cho vựa chỉ được 4.000 đồng/kg”.
Tiếp xúc với nhiều người trồng khoai ở xã Cam Hòa, chúng tôi được biết đã nhiều người bỏ khoai, quay lại với cây lúa. Ông Trần Văn Hiếu có hơn 5 sào ruộng đang bỏ không. Ông cho biết, đang làm cỏ, cải tạo đất để quay về trồng lúa. Dù giá lúa chỉ bằng 1/3 giá khoai, nhưng ít công chăm sóc và chi phí ít hơn, nếu so với tình hình bấp bênh của khoai hiện tại thì trồng lúa là phương án an toàn hơn cho người dân.
Theo thống kê qua các năm, diện tích khoai sáp ở xã Cam Hòa đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2015, toàn xã có khoảng 120 hộ trồng với hơn 80ha; năm 2017, diện tích khoai tăng lên hơn 122ha; đến thời điểm hiện tại chỉ còn 40ha. Ông Phùng Minh Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, đặc thù của địa phương là vùng trũng, đất nông nghiệp lâu nay chỉ phù hợp trồng lúa 2 vụ. Những năm gần đây, người dân ồ ạt chuyển sang trồng khoai sáp vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khoai sáp chỉ mang lại lợi nhuận trong thời gian đầu, còn gần đây, hiệu quả mang lại không cao. Nguyên nhân được xác định là vì đất trồng khoai qua thời gian dài không được cải tạo, người dân trồng hết vụ này lại tiếp tục trồng vụ khoai khác, dẫn đến đất không còn dinh dưỡng để khoai phát triển. Hiện nay, đa phần người dân đã quay về trồng lúa, một số ít chuyển qua trồng xoài.
Ông Nguyễn Chí Thành – cán bộ nông nghiệp xã Cam Hòa cho biết, vừa qua, địa phương đã triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng khoai sáp, sen và củ kiệu cho 30 hộ gia đình với diện tích 11ha. Để trồng khoai sáp đạt hiệu quả, người dân cần trồng luân canh giữa khoai sáp và lúa. Chính vì người dân chỉ trồng khoai nên dẫn đến năng suất ngày càng thấp. “Khoai sáp ở địa phương trồng 2 năm được 3 vụ, thay vì đó nên luân canh giữa vụ khoai và lúa sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể cho người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân để cải thiện năng suất trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Thành nói.
Theo: Báo Khánh Hòa