Sau một thời gian triển khai, việc quản lý lĩnh vực thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều khó khăn. Ông Trần Quang Bình – Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết:

– Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 101 ngày 14-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 107/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1922 ngày 24-3-2016 triển khai chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh và dự thảo Đề án thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Tư pháp. Ngày 15-9-2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng thừa phát lại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 – 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 văn phòng thừa phát lại được thành lập tại TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Tính đến ngày 10-6-2018, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 78 vi bằng mà 2 Văn phòng thừa phát lại gửi đăng ký. Hiện nay, sở đang giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập của Văn phòng thừa phát lại tại thị xã Ninh Hòa.

– Sau một thời gian triển khai, hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh có khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

– Hoạt động thừa phát lại là một lĩnh vực mới và phức tạp, trong khi đó, quy định pháp luật để điều chỉnh đối với chế định này chưa hoàn chỉnh và đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan khác. Cụ thể, hiện nay, chỉ có 2 văn bản quy định cụ thể về hoạt động thừa phát lại là Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 24-7-2009 về tổ chức và hoạt động thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 18-10-2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị định về thừa phát lại). Khánh Hòa được phê duyệt thực hiện Đề án thành lập Văn phòng TPL giai đoạn 2017 – 2018 theo Quyết định số 1971 của Bộ Tư pháp, là đã hết giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, hoạt động thừa phát lại vẫn áp dụng 2 nghị định trên vì chưa có văn bản thay thế. Vì vậy, quá trình quản lý hoạt động thừa phát lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với hoạt động đăng ký vi bằng.

Theo Nghị định về thừa phát lại, vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thông tư liên tịch số 09/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính quy định, vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng quy định vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp.

Tuy nhiên, quy định về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký vi bằng tại Nghị định về thừa phát lại còn chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, thời gian qua, Sở Tư pháp gặp khó khăn khi đăng ký vi bằng. Có trường hợp, hồ sơ gửi tới sở để đăng ký chỉ thể hiện thừa phát lại đã ghi nhận một thỏa thuận giữa các bên liên quan đến việc thực hiện biên bản hợp đồng nào đó nhưng không biết nội dung biên bản hợp đồng thế nào, có trái pháp luật không…

Bên cạnh đó,  quy định “trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng thừa phát lại. Trường hợp từ chối, Sở Tư pháp phải thông báo ngay bằng văn bản cho văn phòng thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng, trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký” cũng gây khó khăn cho sở trong việc thẩm tra tính hợp lệ của vi bằng, bởi nhiều vi bằng có nội dung phức tạp, phải kiểm tra, đối chiếu rất nhiều.

Ngoài ra, hiện nay, cũng chưa có văn bản quy định về các chế tài xử phạt đối với lĩnh vực thừa phát lại, nên không đủ cơ chế để quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực này.   

– Thưa ông, Sở Tư pháp đã có kiến nghị gì về những vướng mắc nêu trên?

– Đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đăng ký vi bằng, chúng tôi đã gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Tư pháp và đang chờ trả lời. Nếu Bộ Tư pháp chấp thuận cho sở vẫn đăng ký vi bằng trong trường hợp trên thì sở mới đăng ký. Đối với những vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước về thừa phát lại, sở đã kiến nghị trong các báo cáo về công tác tư pháp gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan.

– Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN VŨ (Thực hiện)

Theo: Báo Khánh Hòa