Thời gian qua, nhiều hình thức dạy học từ xa đã được ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa triển khai tới các trường. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó triển khai đồng bộ

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Trong thời gian học sinh (HS) không đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và các hình thức dạy học từ xa khác. Nhiều trường đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có các chỉ đạo về việc quản lý HS trên môi trường mạng và thời gian HS học ở nhà; truyền thông tạo sự đồng thuận về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và hình thức dạy, học trong mùa dịch…



Dạy học trên sóng KTV.

Dạy học trên sóng KTV.



Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sinh Cung – Trưởng phòng GD trung học – GD thường xuyên Sở GD-ĐT, do điều kiện về cơ sở vật chất, đời sống kinh tế gia đình, trình độ HS trên địa bàn tỉnh không đồng đều nên việc tiếp thu bài dạy trên truyền hình cũng như việc tiếp cận và sử dụng phần mềm dạy học qua Internet gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các HS người dân tộc thiểu số. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của nhiều trường thuộc vùng xa, vùng hải đảo còn hạn chế. Trong thời gian gấp rút, việc trang bị đầy đủ cùng một lúc thiết bị công nghệ thông tin đã khó và khi vận hành được vào trong dạy học còn khó khăn hơn rất nhiều.


Giáo viên một trường THCS tại TP. Nha Trang cho rằng, để áp dụng công nghệ thông tin đồng bộ là điều khó, bởi nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không có máy vi tính, không trang bị điện thoại có kết nối Internet. Một số HS học yếu dẫn đến việc tham gia học trực tuyến chưa trở thành động lực học tập cho các em. Ngoài ra, sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường còn hạn chế.


Vừa qua, các chương trình dạy học trên truyền hình cho HS lớp 9 và lớp 12 đã được phát sóng trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. Tuy nhiên, do chỉ có một kênh KTV nên thời lượng phát sóng các bài giảng không đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, nếu dành 100% thời lượng để phát sóng các bài giảng các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cũng không đảm bảo.


Nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, nhiều HS không duy trì được nề nếp, kỷ cương học tập ở nhà; chất lượng học tập theo hình thức học trực tuyến, trên truyền hình… còn hạn chế. Nhà trường đã phối hợp với phụ huynh để theo dõi, nhắc nhở các em học tập nhưng nhiều phụ huynh phải đi làm nên không có nhiều thời gian quản lý con em mình.

Kiến nghị các giải pháp


Được biết, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng kế hoạch GD của từng môn học theo nội dung mà Bộ GD-ĐT đã tinh giản. Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị với Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT về giải pháp khắc phục những khó khăn; việc tổ chức các kỳ thi năm 2020; việc ôn tập cho HS lớp 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia và việc ôn luyện cho HS lớp 9 thi tuyển vào lớp 10.


Theo ông Nguyễn Sinh Cung, nếu HS đi học lại trong tháng 5, Bộ GD-ĐT nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, HS còn tiếp tục nghỉ học qua tháng 6 thì bộ nên xét công nhận tốt nghiệp cho HS khối 12 và giao việc tuyển sinh đại học về cho các trường đại học. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT nên quy định lại số cột điểm tối thiểu ở học kỳ II năm học này nhằm giảm bớt áp lực cho thầy và trò.


Sở GD-ĐT cũng đề xuất Bộ GD-ĐT đưa nội dung dạy học trực tuyến vào chương trình chính khóa, chiếm khoảng 10% chương trình của môn học. Mục đích là để giáo viên, HS và cha mẹ HS dần quen với mô hình dạy học mới này, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện. Ngoài ra, khi có thiên tai và dịch bệnh xảy ra, ngành GD sẽ chủ động hơn trong công tác ứng phó.


H.NGÂN

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202004/kho-khan-trong-day-hoc-tu-xa-8160559/ )

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202004/kho-khan-trong-day-hoc-tu-xa-8160559/