Tuy chưa thể khôi phục vẹn nguyên như ban đầu, nhưng các trường trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã và từng bước nỗ lực, ổn định sự học nơi mảnh đất nghèo khó… 
Khôi phục bước đầu
Chúng tôi đến Trường Mầm non Trầm Hương (xã Khánh Bình), một trong những trường học bị bão tàn phá nặng nhất khi cô hiệu trưởng Hồ Thị Mỹ Dung đang tất tả quán xuyến việc tu sửa, sắp xếp lại các phòng làm việc. Cô Dung bật khóc khi nhắc nhớ về cơn bão vừa qua. Hơn 10 ngày qua là những ngày cật lực và vất vả của tập thể nhà trường. 36 cán bộ, giáo viên nhân viên thì có 13 người có nhà bị tốc mái hoàn toàn, nhưng vẫn gác việc nhà để xắn tay lo việc trường, mong sao sớm ổn định để trẻ nhanh đi học trở lại. Nhà cô giáo Trần Thị Xuân Thu có nhà bị tốc hết mái tôn, sập đổ, đến giờ vẫn chỉ còn một mảnh tường, nhưng ngày ngày vẫn đều đặn đến trường vì: “Trẻ có chỗ ăn, chỗ học thì cha mẹ mới yên tâm lo khắc phục, sửa chữa nhà cửa và làm ăn”. 
Cô Dung cho biết, với đặc thù trường hầu hết đều là nữ, chỉ có 3 nhân viên bảo vệ là nam nên nếu không có hỗ trợ từ lực lượng bộ đội thì không biết đến bao giờ mới xong. Đến nay, các mái ngói bị tốc đã được lợp, phòng học cũng được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ. Tại điểm trường chính, những ngày qua nhà trường phải mượn máy bơm để bơm nước, còn tại 2 điểm lẻ phải nhờ phụ huynh giúp mang nước tới và sử dụng nguồn nước có sẵn để phục vụ việc ăn trưa cho trẻ tại trường. 
Hai điểm trường tại thôn Y Bảo và thôn Cà Thiêu của Trường Mầm non Hoa Phượng 1 (xã Khánh Hiệp) nay cũng đã gọn gàng, sạch đẹp hơn so với những ngày đầu sau bão. Các mái ngói bị tốc cũng được lợp lại để đảm bảo chỗ học cho 100 cháu. Cô Nguyễn Thị Nho – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban đầu số ngói ít, việc tìm kiếm, liên hệ để có ngói lợp không phải dễ dàng. Đồ dùng, đồ chơi của trẻ, cái gì có thể tận dụng được thì các cô đều tận dụng tối đa. Trong bao khó khăn ngổn ngang, chồng chất, cô Nho tâm niệm: “Sức một người không làm được, nhưng mỗi người một việc, cộng thêm sự hỗ trợ nhiệt tình từ lực lượng bộ đội nên mọi việc được tiến hành khẩn trương. Kế hoạch hội giảng giáo viên cũng hoãn lại, tập trung lo ổn định việc ăn bán trú, học tập cho các cháu”. Do chưa có điện, nước nên nhân viên bảo vệ phải vận chuyển nước từ các giếng và các điểm công cộng để nấu nước sinh hoạt, đồng thời sử dụng nước đóng chai để cho trẻ uống. Đội ngũ cấp dưỡng cũng phải đến sớm hơn thường lệ để sắp xếp thời gian nấu nướng. 
Tại Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp), do trường rộng, thiệt hại nhiều nên những ngày qua nhà trường phải dốc toàn bộ lực lượng thầy cô giáo, cùng sự trợ giúp đắc lực từ các đơn vị quân đội để hỗ trợ. Vì không có điện, nước nên phải huy động máy nổ để bơm nước, vệ sinh các phòng học, sân trường. Đến nay, trường đang dần lấy lại vẻ khang trang vốn có. Dãy nhà hiệu bộ cũng đã được lợp lại mái, bàn ghế được sắp xếp lại, khuôn viên trường học đã sạch sẽ, gọn gàng hơn nhiều so với khung cảnh hoang tàn khi bão tan. 2 trong số 3 nhà xe cũng đã được khôi phục. Hiện nay, nhà trường phải tận dụng phòng âm nhạc, phòng bộ môn, phòng thực hành… để đủ số phòng học cho các lớp, vì toàn bộ tầng trên với 9 phòng chưa lợp ngói được. Nhà trường cũng đã tạm ứng 21 bộ sách và 315 cuốn vở để hỗ trợ những em chưa có sách vở học vì bị mưa bão làm ướt…
Trẻ ở Trường Mầm non Trầm Hương ăn trưa tại trường.
Trẻ ở Trường Mầm non Trầm Hương ăn trưa tại trường.
Mong tiếp tục được hỗ trợ
Trước mắt cô Hồ Thị Mỹ Dung, vẫn còn nhiều công việc ngổn ngang chưa thể làm xong trong một sớm một chiều. Cổng trường sập gãy chưa làm lại được nên khó khăn trong việc đảm bảo giờ giấc đón trả cháu. Toàn bộ kệ đồ chơi cũng hư hỏng. Bộ bàn học Kidsmart sau nhiều ngày bị ẩm nước nay đã bong tróc, hư hỏng thêm. Sổ sách của các cô phơi chưa kịp khô nay lại ẩm vì sau bão là mưa từng đợt. Khó khăn nhất là hệ thống điện không còn, những chiếc quạt trần bị móp méo không thể sử dụng lại, la phông các phòng cũng chưa có kinh phí để đóng lại. “Thành quả bao năm gây dựng, với bao công sức, tâm huyết và hy vọng, từ những bông hoa, chữ cái được các cô tự tay làm, từ khu vườn hoa các cô từng ngày vun trồng, chăm bón…, mọi thứ đều gần như sẵn sàng cho ngày được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng sau một trận bão, tất cả phải làm lại từ đầu. Để hoàn toàn ổn định thì phải nhờ các cấp chính quyền, các ngành hỗ trợ”, cô Dung cho biết.  
Tại Trường THCS Chu Văn An, trong tổng số 233 học sinh thì có tới 214 em là người dân tộc thiểu số. Thầy Huỳnh Tấn Khởi – hiệu trưởng nhà trường cho biết, gia đình các em bị ảnh hưởng nặng sau bão, trong đó có nhiều gia đình trồng keo bị mất trắng, nhà cửa tan hoang nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của con cái. Đến nay, còn khoảng 13% số học sinh do hoàn cảnh khó khăn chưa thể đi học trở lại. Nhà trường, các giáo viên đang tiếp tục tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, toàn bộ 9 phòng học ở tầng trên bị tốc mái và sập la phông đến nay cũng phải chờ nguồn kinh phí hỗ trợ để sửa chữa…
Ông Bùi Hữu Hóa – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, các trường trên toàn huyện tổ chức dạy và học lại sau bão từ ngày 13-11. Phòng đã và đang tổ chức thăm hỏi tình hình ở các trường, đồng thời cùng với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát cụ thể những thiệt hại để có kiến nghị, đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí cho các trường khắc phục, sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại như ngày thường. 

Theo: Báo Khánh Hòa