Với thế mạnh rừng – thác – suối – hồ, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có nhiều cơ hội phát triển tiềm năng du lịch sinh thái trong bản đồ du lịch của tỉnh.
Thế mạnh rừng – thác – suối…
Không phải ngẫu nhiên mà dân phượt tặng danh hiệu “đệ nhất thác” cho cụm thác Bầu – suối Máu (xã Khánh Thượng). Thác Bầu nằm ở độ cao 700 – 800m so với mực nước biển, là một thác nước 4 tầng nên rất hùng vĩ. Thác nằm trong vùng rừng còn khá nguyên sinh, với nhiều tầng cây, thảm thực vật phong phú, nhiều giống lan rừng với vẻ đẹp đa dạng. Dọc suối Máu còn có rừng lồ ô dày đặc, mỗi khi làn gió đưa qua phát ra những âm thanh du dương. Anh Ly Din – cán bộ văn hóa thông tin xã Khánh Thượng cho hay, tên suối Máu không phải tự nhiên mà có. Cứ đến đầu mùa mưa, nước chảy về xuôi có màu đỏ, còn vào các tháng khác thì nước vẫn trong. Hiện nay, con đường đi vào suối Máu – thác Bầu chỉ có thể đi bằng xe máy, xe cọc cạch, riêng ô tô không thể đi vì vướng đá to. Suối Máu – thác Bầu hiện đang được Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang nghiên cứu để phát triển du lịch.
Con đường đi vào thác Zi-ông (xã Khánh Trung) chưa được đầu tư nên khách phải rất chật vật mới lên được thác. Thác nằm ở hạ lưu Nhà máy thủy điện Sông Giang 2 nên độ cao không lớn. Từ thác đi lên tới Bàn Cúng (một bàn đá lớn bằng phẳng rất đẹp) là nơi dân điệu (người đi tìm trầm) ngày xưa hay dừng chân nghỉ ngơi và làm lễ cúng thần rừng, thần suối tạ ơn hay cầu vận may. Dưới chân thác là Ngã Hai, từ đây suối rẽ làm 2, du khách có thể tắm, nghỉ ngơi, thư giãn. Ông Cao Bơ – Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, xã mong huyện, tỉnh khảo sát thác này để phục vụ du lịch.
Còn nhiều việc phải làm
Theo lãnh đạo huyện, Khánh Vĩnh có nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái như: thác E du (Giang Ly), thác Zi-ông (Khánh Trung), thác Bầu – suối Máu (Khánh Thượng), các mô hình du lịch xanh, nhà vườn du lịch miền núi gắn với giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay, toàn huyện mới chỉ có một số điểm đưa vào khai thác du lịch như: Công viên du lịch Yang bay, Suối Lách – Giang Ly, suối nước nóng Khánh Hiệp…
Thời gian qua, công tác kêu gọi và thu hút đầu tư du lịch hiệu quả chưa cao. Theo quy hoạch du lịch đến năm 2020, huyện Khánh Vĩnh đề xuất các dự án: Khu du lịch suối khoáng nóng Khánh Thành, diện tích quy hoạch 20ha, loại hình tham quan, nghỉ dưỡng; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông 50ha, phát triển du lịch tham quan rừng núi, cắm trại, nghỉ ngơi, mua sắm, thăm di tích cách mạng Hòn Dù; Khu du lịch Giang Ly 40ha phát triển khu du lịch địa phương; Khu du lịch khoáng nóng Khánh Hiệp 20ha khai thác du lịch rừng núi, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Khu du lịch khoáng nóng Khánh Hiệp và điểm Suối Lách – Giang Ly là có đầu tư nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Các dự án khu du lịch Zi-ông, Khánh Thành chưa hiệu quả vì hạ tầng giao thông chưa kết nối nên chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Lê Văn Cường – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Khánh Vĩnh, định hướng đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Khánh Vĩnh với 2 – 3 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, hình thành 1 điểm du lịch, xây dựng 1 khu giải trí, 1 trung tâm mua sắm, phục hồi 1 làng nghề thủ công, xây dựng 3 – 5 vườn cây ăn trái phục vụ du lịch, giải quyết 500 lao động địa phương. “Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Khánh Vĩnh còn nhiều việc phải làm như: tổ chức thực hiện quy hoạch và các dự án du lịch; đầu tư kết nối hạ tầng, đặc biệt là đường tới Suối Máu – Đá Dài, suối khoáng nóng Khánh Thành; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết các điểm du lịch; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng nguồn nhân lực; hợp tác, liên kết… Để làm được những việc trên, bên cạnh sự nỗ lực của huyện, địa phương rất cần sự trợ giúp của tỉnh, các sở, ban, ngành và Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, đặc biệt trong việc thực hiện quy hoạch, kết nối giao thông, đào tạo nhân lực…”, ông Cường nói.
P.LÂM