Rừng giáp ranh giữa huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và các tỉnh lân cận chủ yếu là rừng tự nhiên, tài nguyên phong phú nên có nguy cơ bị xâm hại cao. Để bảo vệ rừng giáp ranh, huyện Khánh Vĩnh đã ký kết và triển khai các quy chế phối hợp bảo vệ với các địa phương lân cận.  

Dễ bị xâm hại

Huyện Khánh Vĩnh hiện có hơn 90.895ha đất rừng. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương được giao quản lý hơn 39.200ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa quản lý hơn 41.600ha; số còn lại thuộc địa phương quản lý. Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, diện tích rừng giáp ranh với các tỉnh: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng rất lớn. Đơn cử như vùng rừng giáp ranh thuộc các xã Sơn Thái, Liên Sang với xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) kéo dài đến hơn 10km, diện tích giáp ranh hàng trăm héc-ta. Tương tự, vùng rừng giáp ranh với Vườn Quốc gia Bidop – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) kéo dài hàng chục kilômét, với diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta. Ngoài ra, vùng rừng giáp ranh giữa huyện Khánh Vĩnh với các huyện: M’Đrắk, Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) có 11 tiểu khu, với diện tích hơn 11.300ha.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Lê Thanh Hóa – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh chia sẻ: “Các khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Khánh Vĩnh với các tỉnh lân cận chủ yếu là rừng tự nhiên, tài nguyên còn rất phong phú, đa dạng với nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nên nạn săn bắt động vật rừng, khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản trái phép ở những khu vực giáp ranh thường xuyên xảy ra. Trong khi vùng giáp ranh thường là nơi xa xôi, việc tuần tra, truy quét gặp nhiều khó khăn; việc xử lý cũng không dễ dàng khi các đối tượng di chuyển qua lại giữa ranh giới các địa phương”.

Rừng phòng hộ ở thượng nguồn suối Bột (xã Khánh Bình) giáp ranh với huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) bị xâm hại nghiêm trọng vào năm 2013.
Rừng phòng hộ ở thượng nguồn suối Bột (xã Khánh Bình) giáp ranh với huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) bị xâm hại nghiêm trọng vào năm 2013.

Ông Nguyễn Khương – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Khu vực rừng giáp ranh là những nơi xa xôi, hẻo lánh, việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn nếu không có quy chế phối hợp giữa các bên. Từ năm 2012 đến nay, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều ký kết và chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương ký kết, triển khai thực hiện các kế hoạch bảo vệ rừng giáp ranh. Qua tổng kết đánh giá, Khánh Vĩnh là một trong những địa phương triển khai nghiêm túc và có hiệu quả kế hoạch phối hợp với các địa phương lân cận.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, diện tích rừng công ty được giao quản lý khá rộng, đường giáp ranh giữa công ty với các đơn vị chủ rừng khác trong tỉnh cũng như các huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk dài đến 106km, có nguy cơ xâm hại cao. Khu vực rừng tự nhiên của công ty quản lý giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều đường nhánh từ phía tỉnh bạn vào, rất thuận lợi cho các đối tượng khai thác lâm sản trái phép trong lâm phận của công ty rồi vận chuyển về phía Đắk Lắk. Trước đây, rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột trong lâm phận của công ty từng bị người dân xã Cư San (huyện M’Đrắk) xâm hại để lấy đất làm nương rẫy. Theo đó, có 25,3ha rừng phòng hộ ở suối Bột đã bị tàn phá.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, rừng giáp ranh giữa Khánh Vĩnh và huyện M’Đrắk có 6 khu vực, thuộc tiểu khu 105, 107, 109 luôn tiềm ẩn nguy cơ bị người dân huyện M’Đrắk xâm lấn, phá rừng làm rẫy. Trong khi đó, có khoảng 11 khu vực thuộc các tiểu khu: 104, 106, 107, 109, 113 thường xuyên bị các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép từ Đắk Lắk nhòm ngó. Tại vùng giáp ranh với huyện Krông Bông, có 9 khu vực thuộc các tiểu khu: 108, 110, 112, 118 xảy ra tình trạng người dân huyện Krông Bông xâm nhập khai thác trái phép gỗ pơ mu và các loài cây gỗ quý khác. Ngoài ra, ở các vùng giáp ranh khác như: đỉnh Hòn Giao (xã Sơn Thái), vườn quốc gia Phước Bình cũng có nguy cơ xâm hại cao.  

Phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản tại những vùng giáp ranh, huyện Khánh Vĩnh đã ký kết với các địa phương như: M’Đrắk, Krông Bông, Bác Ái… các quy chế phối hợp; Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh và hạt kiểm lâm các vùng giáp ranh cũng ký kết kế hoạch phối hợp để bảo vệ rừng giáp ranh. Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh chia sẻ: “Nội dung phối hợp chủ yếu là kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng, săn bắt động vật, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; truy đuổi các đối tượng trốn tránh sự kiểm tra, di chuyển qua lại ranh giới giữa các địa phương; phối hợp tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng; trao đổi thông tin, phối hợp lực lượng truy quét, bảo vệ rừng…”.

Qua thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp, việc bảo vệ rừng giáp ranh đã có những kết quả tích cực. Tại vùng rừng giáp ranh với huyện M’Đrắk, các đơn vị đã tổ chức 4 đợt truy quét, qua đó phát hiện, xử lý một số phương tiện, tang vật vi phạm. Tại vùng giáp ranh với huyện Krông Bông, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương thường xuyên phối hợp với lực lượng của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra, truy quét vùng giáp ranh, đẩy đuổi kịp thời các đối tượng xâm nhập trái phép…, nhờ đó số vụ việc vi phạm giảm mạnh. Tại vùng giáp ranh với huyện Bác Ái, do các bên thường xuyên tổ chức truy quét nên không phát hiện có sự tác động, xâm hại đến tài nguyên rừng…

Tuy đạt một số kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh hiện còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác phối hợp chưa được thường xuyên, chủ yếu truy quét vào mùa khô và ở những điểm nóng. Việc tiếp nhận thông tin và xử lý vụ việc theo quy chế chưa tốt… nên ở một số khu vực giáp ranh vẫn còn xảy ra tình trạng xâm hại rừng. “Trong tháng 4, tại khu vực rừng giáp ranh với huyện M’Đrắk đã xảy ra 1 vụ khai thác gỗ trong lâm phận của công ty. Các đối tượng sử dụng xe công nông độ chế, đưa tang vật sang lâm phận huyện M’Đrắk nên không thể xử lý, phải đề nghị sự phối hợp từ phía kiểm lâm huyện bạn. Tuy nhiên, vụ việc không được đơn vị bạn xử lý theo quy chế đã được ký kết”, ông Thanh cho hay.

Để thực hiện tốt hơn việc bảo vệ rừng giáp ranh, các đơn vị chủ rừng cũng như Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh kiến nghị cấp trên làm việc với các địa phương lân cận để đề nghị tăng cường công tác phối hợp, nhất là việc xử lý các vụ vi phạm; tăng cường số lần tuần tra, truy quét; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin vùng rừng giáp ranh…

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa