Bước vào mùa mưa bão năm nay, các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã rà soát, xác định các khu vực xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt để chủ động phương án ứng phó, di dời người dân đến nơi an toàn.

Rà soát các vị trí xung yếu

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Theo ông Đỗ Nhi Huy- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện, UBND huyện đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị trong huyện cũng đã tập trung kiểm tra, rà soát những vị trí xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để xây dựng phương án ứng phó sát với thực tế, nhất là di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.



Một điểm trên tuyến đường Sơn Hiệp - Sơn Lâm bị sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2021.

Một điểm trên tuyến đường Sơn Hiệp – Sơn Lâm bị sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2021.



Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 27 vị trí xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, chủ yếu ở ven các sông suối lớn, ven các sườn núi, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu. Với địa hình đồi dốc, nhiều sông suối, huyện Khánh Sơn còn xác định 23 vị trí cầu tràn xung yếu dễ xảy ra ngập lụt, khi mưa lớn sẽ xảy ra chia cắt cục bộ.


Trên cơ sở kết quả rà soát, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch các loại cây trồng trước mùa mưa bão; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn cũng tuyên truyền, vận động những hộ dân sinh sống ở những khu vực xung yếu chủ động di dời đến nơi an toàn; không chủ quan đi qua sông, suối, đập tràn trong mùa mưa lũ. Trong tình huống xảy ra mưa lũ, các địa phương cắt cử lực lượng chốt chặn tại những địa bàn xung yếu, sạt lở, các vị trí cầu tràn; sẵn sàng di dời 448 hộ dân, với 1.722 nhân khẩu đến nhà cộng đồng thôn, hội trường UBND cấp xã để bảo đảm an toàn.

Chủ động phương án ứng phó


Để chủ động công tác PCTT-TKCN trong mùa mưa bão năm nay, huyện xác định sẽ tập trung triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện. Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng việc tuyên truyền đến người dân để chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa bão.

 

Cũng theo ông Đỗ Nhi Huy, địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để nâng cấp cầu tràn thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); quan tâm đầu tư cầu Lò Gạch (thị trấn Tô Hạp), Ko Róa (xã Sơn Lâm) vì những khu vực này thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa, lũ; thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông Tô Hạp. Huyện cũng kiến nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh hỗ trợ thêm các trang thiết bị phòng, chống lụt bão như: 10 máy cưa, 10 nhà bạt, 1.000m dây thừng… cho các xã, thị trấn và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện.


Qua kiểm tra công tác PCTT-TKCN tại huyện mới đây, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị huyện rà soát, có phương án bảo vệ an toàn cho các công trình đang thi công trên địa bàn; rà soát, đưa toàn bộ các vị trí xung yếu, hay bị sạt lở vào bản đồ phòng, chống thiên tai của tỉnh; sẵn sàng nhân lực, phương tiện, địa điểm di dời người dân vùng xung yếu khi có mưa bão…



Toàn huyện có 27 vị trí xung yếu, gồm: 3 vị trí ở thôn Tà Giang 1 và thôn A Pa 1 (xã Thành Sơn); 2 vị trí ở thôn Ko Róa và thôn Du Oai (xã Sơn Lâm); 4 vị trí ở dọc theo bờ sông Tô Hạp và 2 thôn: Xóm Cỏ, Liên Bình (xã Sơn Bình); 4 vị trí ở các thôn: Liên Hiệp, Tà Gụ, Xà Bói, Hòn Dung (xã Sơn Hiệp); 1 vị trí ở thôn Ma O (xã Sơn Trung); 4 vị trí ở các thôn, tổ dân phố: Hạp Cường, Dốc Gạo, Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); 4 vị trí ở các thôn: Tha Mang, A Thi, Suối Đá, Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc); 5 vị trí gần các khu dân cư ở các thôn: Ka Tơ, Suối Me và Hòn Gầm (xã Ba Cụm Nam).


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202210/khanh-son-chu-dong-ung-pho-voi-mua-bao-8265635/