Gần 10 năm trước, những người làm du lịch ở Khánh Hòa đã liên kết phát triển ngành công nghiệp không khói với TP. Hồ Chí Minh. Đến hôm nay, mối lương duyên ấy đã mang lại nhiều trái ngọt.
Từ liên kết ban đầu…
Ngày ấy, từ thực tiễn lượng khách đến Nha Trang – Khánh Hòa đa phần đều xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, những người làm du lịch Khánh Hòa đã nghĩ đến chuyện liên kết với các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh. Khởi đầu, các doanh nghiệp hai bên bắt tay với nhau một cách tự phát. Khi mối quan hệ giữa các doanh nghiệp đã đến độ chín, cần một sự hợp tác mang tính toàn diện hơn thì lãnh đạo hai địa phương đã cùng ký kết những nội dung hợp tác cụ thể.
Minh chứng sinh động cho sự hợp tác đó chính là việc có rất nhiều doanh nghiệp du lịch lớn ở TP. Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa để đầu tư kinh doanh du lịch. Từ đó, góp phần phát triển cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch xứ Trầm Hương. Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, Trung tâm Suối khoáng nóng Tháp Bà, Novotel Nha Trang, Havana Nha Trang, Inter Continental Nha Trang, Khu du lịch Hòn Tằm Merper… là kết quả từ mối lương duyên đó. “Ở Khánh Hòa, chúng tôi có khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, Chi nhánh Saigontourist Nha Trang và dự án khu resort 5 sao Sài Gòn – Cam Ranh. Những công trình đó đến từ sự hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa”, ông Trần Hùng Việt – Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết.
Theo thống kê của Sở Du lịch, mỗi năm có khoảng 40% du khách tại TP. Hồ Chí Minh và khách du lịch quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh chọn Khánh Hòa là điểm đến du lịch. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Qua việc triển khai chương trình hợp tác, số lượng khách đến hai địa phương ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch được nâng lên và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng kết nối tour, tuyến du lịch. Các doanh nghiệp du lịch của hai địa phương đã có sự hỗ trợ thông tin và dành những chính sách ưu đãi cho nhau”.
… Đến hợp tác toàn diện
Khi những người lãnh đạo ngồi lại với nhau, mối liên kết phát triển du lịch được diễn ra một cách toàn diện hơn. Hai bên đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giúp nhau nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động du lịch. Ngành du lịch của 2 địa phương đã phối hợp trong công tác quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch do hai địa phương tổ chức. Các thông tin du lịch mới được kịp thời giới thiệu đến doanh nghiệp để phối hợp xây dựng tour kết nối với các tuyến, điểm du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Sở Du lịch hai bên cũng hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo chuyên ngành du lịch…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 48 dự án du lịch do các nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh thực hiện, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án đã đưa vào hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao và tạo được thương hiệu riêng. Có 4 đơn vị lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn Khánh Hòa. Giai đoạn 2018 – 2022, hai địa phương tập trung vào các nội dung trọng điểm để mối liên kết du lịch tiếp tục phát triển.
Giang Đình
Kết nối du lịch là câu chuyện cốt lõi để đánh thức và phát huy một cách đúng mức những tiềm năng, giá trị của một vùng đất. Thế nên, dẫu có đi hết những dặm dài của xứ trầm biển yến thì cung đường khám phá ấy chưa hẳn đã dừng lại, bởi nó vẫn còn dài và rộng lắm để thêm có những cuộc hành trình tiếp bước. Lên Đà Lạt hay vào Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh…, sự kết nối của những miền đất vừa giống nhau lại cũng vừa khác biệt ấy cứ như một hấp lực để mỗi người lại háo hức xách ba lô lên và đi, ghép lại những mảnh ghép du lịch Nam Trung Bộ trên dặm dài của những bước chân mình đi qua.