Chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, năm 2020, tỉnh Khánh Hòa tiến hành quy hoạch du lịch địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đây là những vấn đề nền tảng để du lịch Khánh Hòa phát triển phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nói chung, của vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng nhưng không làm mất đi “bản sắc” của du lịch Khánh Hòa với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển-đảo là chủ đạo.
Để từ đó, Khánh Hòa tiếp tục khẳng định rõ vai trò là trọng điểm du lịch quốc gia và du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Những hạn chế
Những năm qua, du lịch Khánh Hòa đã gặt hái được nhiều thành công nhất định, đã, đang tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến ngày càng thân thiện, hấp dẫn đối với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 2019, Khánh Hòa đã đón được gần 7,2 triệu lượt khách du lịch với khoảng 21 triệu ngày lưu trú; khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Khánh Hòa còn đón hơn 20 triệu lượt du khách đến tham quan trong ngày.
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa ngày càng bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết, cần nhận biết để từng bước khắc phục, trong đó có những vấn đề rất cơ bản.
Theo kết quả của giám sát chuyên đề về du lịch của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa gần đây, tỉnh đã có những chính sách khuyến khích, kêu gọi thu hút nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch: tiến hành cổ phần hóa, lập quy hoạch cảng du lịch Nha Trang; nhà ga quốc tế mới (T2) – Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh; bến du thuyền quốc tế Nha Trang, qua đó nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
Với tổng số hơn 1.080 cơ sở lưu trú du lịch, tính đến cuối năm 2019, Khánh Hòa có trên 49.000 phòng khách sạn. Trong đó số buồng, phòng có tiêu chuẩn từ 3-5 sao chiếm 67%.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, việc phát triển hạ tầng du lịch quá chú trọng đầu tư cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn cao tầng, khu du lịch nghỉ dưỡng, bỏ qua đầu tư nâng cấp những hạ tầng khác như giao thông, các điểm vui chơi giải trí quy mô lớn, khu biểu diễn nghệ thuật… khiến Khánh Hòa bắt đầu lâm vào tình trạng “thừa khách sạn” nhưng thiếu nơi vui chơi cho khách du lịch.
Chưa có các bãi đỗ xe từ 29 chỗ ngồi trở lên dẫn đến tình trạng xe vận chuyển khách du lịch dừng, đỗ đế đón khách gây ùn tắc, mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông; chất lượng phục vụ, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch giảm.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Xuân Thân cho rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cần bố trí quỹ đất thích hợp để phát triển cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí, nhà bảo tàng, trung tâm biểu diễn, hội chợ…, tạo ra các “sân chơi” và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu người dân, du khách.
Một hạn chế mang tính chất quan trọng Khánh Hòa đã nhận biết từ lâu, song không thể một sớm một chiều giải quyết được, đó là quá chú trọng khai thác vào một số thị trường du lịch quốc tế nhất định, dẫn đến lệ thuộc vào các thị trường đó, dễ bị ảnh hưởng xấu nếu có sự tác động rủi ro nào đó.
Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đánh giá chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học, không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và các vấn đề khác.
Chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn.
Thực tế cho thấy, năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 3,5 triệu lượt du khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, tham quan. Tuy nhiên trong đó số lượng du khách Trung Quốc chiếm xấp xỉ 2,5 triệu lượt (chiếm 69,6%).
Tiếp đó thị trường du khách Nga đứng ở vị trí thứ hai đạt con số hơn 462 nghìn lượt (chiếm tỷ lệ khoảng 13%). Ở vị trí thứ ba là thị trường du khách Hàn Quốc cũng ở mức 304 nghìn lượt (tỷ lệ 8,5%). Cả 3 thị trường du khách này chiếm tổng số 96,6% số lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa.
Từ đầu năm đến nay, khi dịch COVID-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), lây lan trên diện rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang ở vào tình trạng “báo động đỏ,” khiến lượng khách từ hai thị trường du khách chủ lực này giảm và đến thời điểm này hầu như vắng bóng họ.
Trong khi đó, các thị trường khách du lịch quốc tế đến từ châu Âu giảm từ 15-20% so với những năm trước, rất khó để phục hồi.
Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp
Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh họp tác, liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đối với các địa phương vùng Duyên hải Miền Trung, Khánh Hòa đã ký kết bỉên bản hợp tác giữa 7 tỉnh Duyên hải Miền Trung.
Trên cơ sở đó Khánh Hòa ký chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với Lâm Đồng; chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đưa khách Nga đến cảc tỉnh: Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận; phối hợp với Ninh Thuận xây dựng Chương trình tour du lịch chung giữa 2 địa phương để tạo sự phong phú cho khách du lịch khi đến với Khánh Hòa.
Đối với các vùng trọng điểm du lịch trong nước, ngành du lịch Khánh Hòa cũng đã ký kết Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh; ký biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa Khánh Hòa, Hải Phòng và Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trên nhiều lĩnh vực, góp phần khai thác du khách từ Hải Phòng và các tỉnh Đông Bắc Bộ đến Khánh Hòa.
Tuy nhiên, các mối quan hệ hợp tác nói trên chỉ ở mức gợi mở, chưa đi vào thực chất, chiều sâu. Sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, hình thành sản phẩm cụ thể…, vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phấn khác biệt giữa mỗi địạ phương, cũng như nguồn lực, kinh phí đầu tư không đồng đều.
Từ thực tế khi tỉnh Khánh Hòa đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2019 cho thấy việc phối hợp, liên kết với các tỉnh lân cận và cả trong khu vực với Khánh Hòa cũng không đạt kết quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm khi kết thúc vai trò “chủ nhà” là cần tổ chức các hội thảo, hội nghị liên vùng giữa các tỉnh lân cận và tỉnh đăng cai Năm Du lịch quốc gia để tập trung khai thác các thế mạnh của các địa phương; qua đó, góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến với tỉnh đăng cai nói riêng và các tỉnh, địa phương lân cận nói chung.
Ngoài những vấn đề “tâm điểm” nói trên, du lịch Khánh Hòa còn khá nhiều “lổ hổng,” như sản phẩm du lịch chậm đổi mới, điển hình là tour du lịch 4 đảo vốn là sản phẩm đặc trưng nhưng trong nhiều năm qua vẫn không có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung.
Phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ nên khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch. Vì vậy tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản, ý tưởng của sản phẩm du lịch rất nghèo nàn, trùng lặp giữa các vùng miền.
Quá trình phát triển sản phẩm chưa được nghiên cứu bài bản, vì vậy chất lượng, giá trị hàm chứa trong sản phẩm thấp. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về du lịch từ cơ quan chuyên môn cấp huyện đến cấp xã vừa thiếu về số lượng, lại chưa được trang bị đầy đủ về chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành các hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Với những yêu cầu nói trên, tỉnh Khánh Hòa cần sớm hoàn thiện, ban hành chiến lược phát triển lâu dài, bền vững cho ngành du lịch. Trong đó, chú trọng đến việc đa dạng thị trường khách du lịch; xác định cơ cấu du lịch, bao gồm phát triển đồng thời du lịch biển-đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.
Việc phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp…/.
Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus