Đợt mưa lũ vừa qua, nhiều công trình hạ tầng tại các địa phương bị hư hỏng, cần sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trước mắt, các địa phương cân đối ngân sách để sửa chữa các công trình này.
Nhiều công trình bị hư hỏng
Theo UBND huyện Khánh Sơn, trong tháng 11 vừa qua, trên địa bàn hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, kéo dài, mực nước các sông suối dâng cao gây hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt. Chẳng hạn như: Cầu tràn số 2 vào khu dân cư thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp bị nước xói lở, cuốn trôi 2 bên đường dẫn, gây cô lập 50 hộ, 200 nhân khẩu của thôn này (hiện đã khắc phục); 20m mặt đường nhựa của đường nội đồng thôn Tà Gụ bị nước cuốn trôi; đập Tà Gụ, đập Ty Lay (xã Sơn Hiệp) và đập Đầu Bò Hạ (xã Sơn Trung) bị vùi lấp đầu mối và hư hỏng kênh mương; kè sông Tô Hạp bị sạt lở 70m; kè khu vực cầu Cây Sung, Tà Gụ, Sơn Hiệp bị sạt lở 10m; hệ thống nước sinh hoạt xã Thành Sơn nước cuốn gây hư hỏng đoạn ống dẫn qua cầu đi thôn Tà Giang 2…
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Sau đợt mưa lũ, công tác khắc phục đã được UBND huyện Khánh Sơn lập tức triển khai, tuy nhiên, trước những khó khăn về kinh phí, huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ 26,8 tỷ đồng để xây dựng và khắc phục sửa chữa một số công trình hạ tầng bị hư hỏng và đầu tư xây dựng mới các tuyến kè nhằm bảo vệ công trình hạ tầng, bảo vệ khu dân cư và đất sản xuất, hoa màu… cho nhân dân.
Tại Khánh Vĩnh, đợt mưa lũ từ ngày 8 đến 12-11 cũng gây ra thiệt hại không nhỏ cho các công trình trường học, giao thông, thủy lợi. Với những hư hỏng nhỏ, địa phương đã tập trung khắc phục. UBND huyện kiến nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ gần 12 tỷ đồng để sửa chữa, gia cố, xây dựng 2 công trình trường học, 6 công trình nông nghiệp và 6 công trình giao thông trên địa bàn. Huyện Diên Khánh cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ gần 4 tỷ đồng để xây dựng 2 kè chống sạt lở suối tại xã Diên Hòa, Diên Lâm; sửa chữa nâng cấp 2 kênh tưới tại xã Diên Điền.
Qua rà soát của huyện Cam Lâm, mưa lũ đã gây hư hỏng nặng nề 27 công trình giao thông trên địa bàn, vượt quá khả năng cân đối của địa phương. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ 34,2 tỷ đồng để đầu tư, khắc phục kịp thời các công trình này. Tương tự, UBND huyện Vạn Ninh đã khẩn trương bố trí kinh phí cấp huyện sửa chữa, khắc phục ngay các thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên, kinh phí khắc phục quá lớn, vượt khả năng cân đối của ngân sách địa phương nên huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ 40,1 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa 37 công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi bão lũ trên địa bàn.
Còn theo UBND thị xã Ninh Hòa, hầu hết các dòng sông phục vụ tiêu thoát lũ trên địa bàn chưa được kiên cố, mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng, thậm chí nhiều khu vực sạt lở gần nhà dân, nguy cơ an toàn tài sản và đất sản xuất của người dân. Vì vậy, thị xã Ninh Hòa kiến nghị tỉnh hỗ trợ 53 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 công trình, trong đó chủ yếu là các công trình kè chống sạt lở trên các dòng sông nhằm nâng cao năng lực tiêu thoát lũ.
Cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên
Ngày 20-12, UBND tỉnh đã có công văn trả lời các địa phương về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Theo trả lời của UBND tỉnh, ngày 7-10, UBND tỉnh đã có văn bản tạm ngừng xem xét hỗ trợ chi đầu tư cho cấp huyện để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện sửa chữa, khắc phục ngay những công trình cấp thiết, hư hỏng nặng do mưa, lũ gây ra. Trường hợp địa phương khó khăn, giao Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát cụ thể, tổng hợp nhu cầu, sắp xếp danh mục theo thứ tự ưu tiên, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ trên khả năng cân đối ngân sách, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản báo cáo UBND tỉnh với nội dung, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn lực ngân sách phải ưu tiên tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, việc cân đối nguồn vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 đang gặp rất nhiều khó khăn. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị và được UBND tỉnh thống nhất tạm ngừng việc xem xét hỗ trợ chi đầu tư cho cấp huyện để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc xem xét ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho cấp huyện sẽ được xem xét, cân đối sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến tích cực.
HỒNG ĐĂNG