Các đợt mưa lớn kéo dài diễn ra trong 3 tháng cuối năm 2021 đã gây nhiều thiệt hại đến cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi. Trong khi nguồn ngân sách cấp huyện còn khó khăn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất hỗ trợ khắc phục hàng trăm công trình bị hư hỏng.
Hàng trăm công trình bị hư hỏng
Qua báo cáo của các địa phương, các đợt mưa lớn trong năm 2021, nhất là tháng 10 và 11 đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của Nhà nước và người dân. Nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, nếu không kịp thời sửa chữa thì có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, gây thiệt hại nặng nề hơn. Chẳng hạn như đập dâng Gò Ké phục vụ tưới cho 50ha lúa của xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh đã bị sập tường cánh thượng và hạ lưu đập, sân tiêu năng bị xói lở, các phai ván gỗ bị cuốn trôi. Tại thị xã Ninh Hòa, bờ hữu sông Tân Lâm đoạn qua xã Ninh Thân bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 300m, cần xây dựng kè gia cố, tránh tình trạng sạt lở tiếp tục kéo dài. Ở huyện Diên Khánh, trong số hàng chục công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, bờ suối Cây Sung đoạn qua xã Diên Tân cần phải được xây dựng kè bảo vệ, nếu không sẽ tiếp tục sạt lở, uy hiếp đến nhà người dân ở ven suối. Tại huyện Cam Lâm, hàng chục tuyến mương bị sạt lở, mất khả năng dẫn nước khiến cho nguồn nước tưới nông nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Riêng tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, mưa lũ đã khiến hầu hết các ngầm, cầu tràn bị xói lở, cần phải gia cố; hàng chục đoạn sông bị sạt bờ, uy hiếp đến đất ở và đất sản xuất của người dân…
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã chủ động khắc phục, sửa chữa nhiều công trình giao thông, thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hàng trăm công trình do vượt quá khả năng cân đối ngân sách cấp huyện nên các địa phương đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục, sửa chữa 150 công trình, chủ yếu là công trình chống sạt lở bờ sông, kè, công trình thủy lợi (đập dâng, kênh mương), giao thông nông thôn (đường, cầu, cống, tràn) với kinh phí đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ 219,6 tỷ đồng.
Ưu tiên khắc phục 103 công trình
Với đề xuất của các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đề xuất sửa chữa. Kết quả kiểm tra mức độ hư hỏng và rà soát các tiêu chí, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ sửa chữa, khắc phục 103 công trình, gồm: 30 công trình giao thông, 73 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Trong đó, có 25 vị trí sạt lở, xâm thực có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở, hạ tầng và đất sản xuất của người dân cần ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục. Tổng kinh phí để sửa chữa, khắc phục 103 công trình này là 141 tỷ đồng.
Ngày 20-1, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về danh mục 103 công trình bị hư hỏng cần ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục. UBND tỉnh cũng thống nhất sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2266 ngày 31-12-2021 về hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021, trong đó Khánh Hòa được hỗ trợ 100 tỷ đồng. Đối với 41 tỷ đồng còn lại, tỉnh sẽ cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khắc phục các công trình.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát các nguồn vốn, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đầu tư công, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25-2. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, chủ động thực hiện việc sửa chữa các công trình hư hỏng nhẹ, mức độ ưu tiên chưa cao và các công trình đầu tư mang tính chất lâu dài.
Hồng Đăng