Sở Giao thông vận tải vừa thông qua phương án hạn chế giao thông đường thủy nội địa khu vực thi công đường và kè dọc sông Cái. Phương án này được triển khai từ thời điểm thi công dự án đến ngày 31-3-2023. Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết:



TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
 Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Phạm vi thi công xây dựng công trình bắt đầu từ đầu cầu Hà Ra (phía nam) chạy dọc đến cầu đường sắt (phía nam) với chiều dài khoảng 1,9km. Các phương tiện thủy được lưu thông 2 chiều trong khu vực đang triển khai hạn chế an toàn giao thông (ATGT) đường thủy có bề rộng từ 85m đến 105m tính từ phạm vi thi công hướng ra sông Cái (phạm vi thi công rộng khoảng 35m tính từ tim kè ra hướng sông Cái). 


– Các phương tiện thủy lưu thông như thế nào khi qua khu vực thi công, thưa ông?


Khi qua khu vực thi công, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ đến mức an toàn nhất, giữ khoảng cách an toàn với phương tiện khác đi cùng chiều, đặc biệt là phương tiện thủy tốc độ cao; hạn chế tối đa việc tạo sóng gây ảnh hưởng đến việc thi công công trình; cấm các phương tiện thủy neo đậu, buộc dây vào phao dẫn luồng, các báo hiệu đường thủy nội địa và bộ phận công trình đang thi công; cấm các phương tiện liên kết song song, đi song song ngược chiều và song song cùng chiều qua khu vực điều tiết. Các cá nhân, đơn vị không được khai thác khoảng sản, đánh bắt thủy sản trong khu vực thi công. Khi xảy ra sự cố mất khả năng điều động hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, không đảm bảo ATGT đường thủy, người điều khiển phương tiện hoặc thuyền viên trên phương tiện cần phát tín hiệu theo quy định và kịp thời thông báo ngay cho Trạm điều tiết giao thông đường thủy để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. 


Trong trường hợp phương tiện, thiết bị thi công làm hẹp bề rộng luồng, không đủ cho các phương tiện thủy đi theo hai chiều, Trạm điều tiết hướng dẫn cho các phương tiện thủy đi theo một chiều. Khi cho phép các phương tiện ở khu vực đậu đỗ chờ đợi được phép đi qua khu vực thi công, thứ tự ưu tiên cho phương tiện áp dụng theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. 


– Ông có lưu ý gì đối với đơn vị thi công, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án?


– Chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công phải lắp đặt các biển báo hiệu dưới nước và trên bờ theo đúng phương án bảo đảm ATGT đã được duyệt. Đối với trạm điều tiết khống chế bảo đảm ATGT, trạm thường trực chống va trôi và phương tiện phải đảm bảo cách khu vực thi công về phía thượng lưu 300m bố trí một trạm điều tiết gồm 1 tàu có công suất 90CV và 1 xuồng cao tốc (ca nô) có công suất 75CV; cách khu vực thi công về phía thượng lưu 100m đặt trạm thường trực chống va trôi gồm 1 tàu có công suất 250CV và xuồng cao tốc (ca nô) có công suất đến 90CV. 


Phương tiện tại trạm điều tiết đảm bảo giao thông và trạm thường trực chống va trôi phục vụ thi công công trình phải đủ định biên thuyền viên, đủ đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định pháp luật. Các trạm phải bố trí đủ nhân lực có nghiệp vụ; trang bị đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị khác theo quy định. 


Trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo, nhắc nhở đơn vị thi công chấp hành sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giám sát cộng đồng theo quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đường thủy nội địa; không được làm ảnh hưởng đến tài sản thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; cắm mốc chỉ giới phạm vi dự án trong suốt quá trình thi công, tuyệt đối không được lợi dụng dự án để khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; chỉ đạo nhà thầu thi công thường xuyên kiểm tra, rà soát đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống ATGT, đèn báo hiệu để điều tiết hướng dẫn giao thông qua khu vực thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn…


– Xin cảm ơn ông!


MẠNH HÙNG (Thực hiện) 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202207/huong-dan-luu-thong-duong-thuy-qua-khu-vuc-thi-cong-duong-va-ke-doc-song-cai-8257689/