Sau một thời gian triển khai, chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Gia đình ông Đặng Trí Thức (thôn Đồng Cau, xã Suối Tân) nuôi bò 17 năm nay. Sau khi tham gia chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò, ông Thức nhận thấy, bê con sinh ra từ phương pháp này thường nặng hơn 3 – 4kg so với bê sinh ra từ cách phối giống truyền thống. Hiện nay, ở thôn của ông còn rất ít hộ cho bò phối giống truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Chính (tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức) cũng công nhận, cả 3 con bê được phối nhân tạo của nhà bà đều to hơn bê cỏ (loại bê được phối truyền thống), thân hình cao, màu lông đẹp, bán được giá hơn. Con bê thứ ba của nhà bà hồi mới sinh nặng khoảng 20kg, sau 6 tháng nuôi nặng 70kg. Gần đây, tuy giá giảm nhưng bà vẫn bán được bê với giá 7 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng so với bê cỏ cùng loại.
Ông Lê Ngọc Tú – Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, nhằm giúp người dân chủ động cải tạo về giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, năm 2009, tỉnh đã triển khai dự án đầu tư phát triển bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2009 – 2012, hỗ trợ người nuôi về tinh bò, thức ăn gia súc. Dự án đã giúp nhiều nông dân nhận ra hiệu quả phối giống nhân tạo cho bò. Vì vậy, sau khi dự án kết thúc, đa số hộ nuôi từng tham gia dự án đã tiếp tục tự bỏ tiền thuê phối giống nhân tạo cho bò. Đầu năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các trạm triển khai chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò. Theo đó, các trạm tiến hành hỗ trợ vật tư và quy trình thụ tinh nhân tạo cho các hộ nuôi từ 10 con bò cái sinh sản trở xuống và có nhu cầu phối giống nhân tạo. Tại Cam Lâm, chương trình triển khai từ tháng 3. Tính đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối giống cho 366 con bò của 220 hộ thuộc 10 xã, thị trấn (trừ Sơn Tân, Cam Phước Tây). Các hộ được hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo. Chương trình cũng hỗ trợ bình chứa nitơ lỏng cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo cho bò và tập huấn, đào tạo cho các dẫn tinh viên.
Chương trình hỗ trợ đã đem lại hiệu quả bước đầu. Bê sinh ra từ phối giống nhân tạo được người nuôi đánh giá cao về ngoại hình, trọng lượng, sức tăng trưởng và cho giá trị kinh tế cao. Trong cùng điều kiện chăm sóc, bê sinh theo phương pháp trên có thể nặng hơn 4 – 5kg so với bê cỏ. Quá trình theo dõi quản lý giống cũng tốt hơn, tránh tình trạng đồng huyết, cận huyết. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần nâng cao thu nhập cho dẫn tinh viên.
Ngoài ra, việc phối giống nhân tạo cho bò còn giải quyết được thực trạng khan hiếm bò đực giống ở địa phương. Hiện nay, toàn huyện Cam Lâm có hơn 3.000 con bò cái sinh sản, được nuôi ở hơn 2.000 hộ. Khảo sát sơ bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho thấy, ở xã Sơn Tân gần như không còn bò đực giống; xã Cam Phước Tây cũng chỉ còn bò đực dùng để cày kéo, chủ nuôi không cho bò phối tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Đồng (tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức) cho biết, qua 5 – 6 năm nuôi bò, ông thấy càng ngày càng khó cho bò phối giống tự nhiên bởi hầu như không còn bò đực. Ông cũng đăng ký phối giống nhân tạo cho bò, trong đó có 1 con bò và 1 con bê là kết quả phối nhân tạo.
“Theo kế hoạch, thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân để tăng số hộ nuôi mới”, ông Tú cho biết.
TIỂU MAI – NGUYỄN KIM
Theo: Báo Khánh Hòa