Qua 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” ở các cấp hội nông dân, đã có hàng ngàn hội viên nông dân trong tỉnh được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng về cây trồng, vật nuôi, làm nghề, từ đó mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất – kinh doanh có hiệu quả.
Tích cực tiếp thu kiến thức, kỹ thuật
Nông dân Nguyễn Ngọc Hà ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa gắn bó gần như cả đời mình với cây mía. Những năm gần đây, khi cây mía không còn hiệu quả, ông đã từng bước chuyển sang trồng bưởi, mít. “Trồng cây ăn quả khác xa so với trồng mía, trong khi tôi chưa có kiến thức, kỹ năng nên hầu như các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt nào tôi cũng đăng ký tham gia. Qua đó, tôi không chỉ học được kỹ thuật trồng trọt từ giáo viên mà còn gặp gỡ, trao đổi với các nông dân khác về cách làm, hướng đi”, ông Hà chia sẻ.
Cũng giống như nhiều nông dân khác, những ngày này, 6 hộ ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh đang tất bật chuẩn bị cho vụ bưởi da xanh phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Văn Ngọc Ân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành cho biết, 5 năm trước, hội đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi da xanh cho nông dân trên địa bàn. Các hộ rất chịu khó tìm tòi, học hỏi để nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây, đồng thời còn được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, 26ha bưởi của 6 hộ này, trong đó có 4 hộ là người dân tộc thiểu số đều phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn, giúp các hộ từng bước thoát nghèo và trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh được UBND tỉnh giao kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” hơn 6,2 tỷ đồng. Hội đã trực tiếp mở 137 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên, đã cấp chứng chỉ, chứng nhận cho 4.104 người. Hội nông dân các cấp phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở 1.200 lớp cho hơn 40.000 học viên. |
Theo ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, qua 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, các hội viên nông dân học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Sau khi học nghề, các nông dân còn tập hợp thành những tổ liên kết sản xuất, tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, đã có 52 tổ hợp tác sau học nghề được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân từ 300 đến 500 triệu đồng/tổ, hơn 85% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm từ chính nghề đã học ở các lĩnh vực nông, ngư nghiệp, thủy sản với thu nhập ổn định. Điển hình như các tổ hợp tác: Trồng nấm xã Vạn Lương; trồng và chăm sóc cây cảnh xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh); trồng dâu nuôi tằm xã Ninh Thượng; nuôi gà xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa); trồng cây ăn quả xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh); trồng xoài Úc xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm)…
Cùng với đào tạo nghề, các cấp hội còn tổ chức phiên chợ nông sản hàng năm; tham gia phiên chợ ở các tỉnh; tổ chức 9 cuộc hội thảo với các doanh nghiệp, siêu thị nhằm giúp nông dân tiếp cận được các vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm chất lượng. Đồng thời, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp, siêu thị, tạo điều kiện cho hội viên nông dân sau học nghề mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Đẩy mạnh tư vấn học nghề
Trong giai đoạn tới, để giúp nông dân tham gia học nghề có hiệu quả, các cấp hội sẽ đẩy mạnh việc tư vấn cho hội viên nông dân chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất, lao động của gia đình, định hướng việc làm sau học nghề. “Đối với hội viên, nông dân đang làm nghề nông, có điều kiện đất đai, tư liệu sản xuất, việc đào tạo nghề sẽ tập trung hỗ trợ cho các nông dân này tiếp cận được với kiến thức khoa học kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Những nông dân có ít hoặc không có điều kiện đất đai, tư liệu sản xuất nông nghiệp thì sẽ được định hướng học các nghề phi nông nghiệp là dịch vụ, du lịch”, ông Lê Quốc Toàn – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, thời gian đến, các cấp hội nông dân tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp; mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong đó, gắn với đào tạo nghề là định hướng về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi quy mô sản xuất; tổ chức những hoạt động kết nối giữa nông dân với các đơn vị tiêu thụ nông sản.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202101/hieu-qua-tu-dao-tao-nghe-cho-nong-dan-8203117/