Mô hình Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ và tư vấn bình đẳng giới được thí điểm năm 2018 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội (BTXH-CTXH) thị xã Ninh Hòa. Năm 2019, mô hình được nhân rộng tại TP. Nha Trang và bước đầu đạt được kết quả.

Kết quả bước đầu

Ông Lê Đình Thu – Giám đốc Trung tâm BTXH-CTXH thị xã Ninh Hòa cho biết, mô hình có chức năng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ đối tượng BTXH, đối tượng dễ bị tổn thương khác; trị liệu, hỗ trợ phục hồi tâm lý và tư vấn, tham vấn giúp đối tượng xã hội giải quyết các vấn đề đang gặp phải. Đồng thời, cung cấp nơi ăn, nghỉ, chăm sóc sức khỏe và dạy nghề, trợ giúp đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật và giải quyết các khó khăn về hôn nhân gia đình, giới, hướng nghiệp, kỹ năng sống cho phụ nữ và các đối tượng khác. Mô hình còn hỗ trợ đối tượng tiếp cận và hưởng lợi từ các nguồn lực, chính sách phúc lợi xã hội, đề xuất, kiến nghị, tiếp nhận và nuôi dưỡng tạm thời tại trung tâm BTXH đối với các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, đối tượng BTXH.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực  trên cơ sở giới năm 2019. Ảnh: BKH

Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.

Ngay từ ngày đầu hoạt động, trung tâm được Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp đầy đủ và đồng bộ các trang thiết bị, đáp ứng tốt nhất cho công tác chuyên môn được giao như: Máy chiếu, máy quay, ti vi, bàn làm việc, một số trang thiết bị phục vụ đào tạo, truyền thông, tư vấn, tham vấn… Trong thời gian thực hiện, trung tâm đã kết nối và cung cấp các dịch vụ CTXH và bình đẳng giới nhằm nâng cao năng lực phát hiện vấn đề, tăng cường khả năng tự bảo vệ của các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái tại cộng đồng. Bên cạnh đó, truyền thông, tổ chức các hoạt động trợ giúp cộng đồng, nâng cao năng lực, thúc đẩy cộng đồng phát triển.

Từ năm 2018 đến nay, mô hình tại thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang đã tiến hành cung cấp các dịch vụ CTXH, hoạt động tư vấn và tham vấn cho các trường hợp cần trợ giúp, đồng thời tiến hành các hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng khác. Theo đó, mô hình đã tham vấn, tư vấn trực tiếp cho 86 ca, trong đó có 19 ca tham vấn, tư vấn về các vấn đề xã hội như: Bạo lực gia đình, xung đột gia đình, bất đồng quan điểm, áp lực công việc, hướng nghiệp, tâm lý người già, trẻ vị thành niên, vấn đề ly hôn, tranh chấp tài sản, thừa kế, tư vấn hỗ trợ nạn nhân đi lạc tìm thân nhân, hỗ trợ nạn nhân tìm nơi cai nghiện, hỗ trợ nạn nhân bị bỏ rơi ở cộng đồng tìm người thân hoặc đưa vào trung tâm BTXH sống. Đồng thời, tư vấn cho 67 trường hợp thuộc đối tượng hưởng trợ cấp BTXH; tham vấn, tư vấn qua điện thoại có 12 ca, trong đó có 6 ca gồm các vấn đề về ứng xử gia đình, tìm người đi lạc, ly hôn và chia tài sản sau khi ly hôn, BTXH và đối tượng lang thang xin ăn tại địa bàn.

Đẩy mạnh truyền thông

Công tác truyền thông và phát triển cộng đồng cũng được trung tâm triển khai đa dạng như: Truyền thông giáo dục các giá trị sống và kỹ năng sống, cung cấp kiến thức về bình đẳng giới và giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các cháu tại trung tâm BTXH; thực hiện công tác tuyên truyền đến các cơ sở về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm kết hợp với hoạt động tư vấn cộng đồng cho đối tượng BTXH; các hoạt động trợ giúp cộng đồng, nâng cao năng lực phát hiện vấn đề, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực thông qua các chương trình, dự án, tổ chức thực hiện kế hoạch có sự tham gia của người dân. “Trung tâm còn mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề kỹ năng sống “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới – Nói không với xâm hại tình dục trẻ em” cho hơn 120 cháu mồ côi tại 2 cơ sở thuộc trung tâm”, ông Trần Hiệp – Giám đốc Trung tâm CTXH  tỉnh cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Đội ngũ cán bộ không có biên chế; số lượng ca trợ giúp chưa nhiều vì công tác truyền thông còn nhiều hạn chế. Quy mô và số lượng chương trình nhỏ và ít, không thường xuyên, chủ yếu nhờ sự phối hợp tự giác của cộng đồng; chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên bao quát toàn bộ trong tỉnh nhằm tăng cao hiệu quả hỗ trợ và hoạt động. Số ca ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn còn ít; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, trình độ dân trí vùng khó khăn còn thấp, gây khó khăn cho công tác truyền thông…

Theo ông Trần Hiệp, để mô hình phát triển hơn và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội, trung tâm kiến nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh hỗ trợ trung tâm xây dựng thêm mạng lưới cộng tác viên CTXH về bình đẳng giới ở cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm CTXH và đội ngũ cộng tác viên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn và tập huấn nghiệp vụ cần thiết để nâng cao năng lực trợ giúp; cần có cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan như: công an, phụ nữ, y tế… nhằm trợ giúp nhanh và hiệu quả nhất khi đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp…

THANH TRÚC
 

Theo: Báo Khánh Hòa