Diễn đàn “Vì sự tăng trưởng xanh ở biển Đông” đã được Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức vào ngày 12-9 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 200 chuyên gia đến từ 8 quốc gia đã tham dự diễn đàn.

Nhóm tác giả gồm 10 thành viên đến từ Viện Hải dương học và Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) công bố, vùng ven bờ xã Vĩnh Tân được chọn để phát triển thành trung tâm nhiệt điện với công suất dự tính 5.520 MW. Để làm kênh nước thải làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thì cần phải di dời 16,4 ha rạn san hô.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết suy thoái hệ sinh thái đang diễn ra phổ biến vùng ven bờ Việt Nam do gia tăng hoạt động phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ gây thiệt hại về môi trường mà con đe dọa sự phát triển kinh tế ở nhiều khu vực.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Qua nghiên cứu từ dữ liệu các trạm quan trắc môi trường phía Nam Việt Nam từ 2012-2016, nhóm tác giả của Viện Hải dương học đưa ra các thông số môi trường về chất lượng nước biển ven bờ như độ đục, chất rắn lơ lửng, nitrat và dầu mỡ vượt ngưỡng tiêu chuẩn để nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Qua 5 năm, xu thế các thông số môi trường kể trên tăng theo thời gian

Hệ sinh thái ven biển đang suy thoái - Ảnh 1.

Để làm nhiệt điện Vĩnh Tân 4, khoảng 16,4 ha san hô ở Hòn Cau phải di dời. Ảnh: TẤN CƯỜNG.

Nhóm tác giả Tống Phước Hoàng Sơn, dưới góc nhìn tư liệu viễn thám cho thấy từ tháng 4-2016, cho rằng hiện tượng thủy sản chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống cư dân địa phương. Các nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của hoạt động xả thải không kiểm soát của tổ hợp nhà máy Formosa là tác nhân chính gây ra hiện tượng trên. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino đã khuếch đại và làm phức tạp thêm. Nhóm tác giá khác cũng chỉ ra nguồn thải từ cảng biển, nhà máy đóng tàu, sửa tàu là nguyên nhân ô nhiễm vùng nước ở Hải Phòng; xói lở bờ biển tại Hội An (Quảng Nam) từ việc xây các công trình ven biển, nạo vét sông, đặc biệt là ngăn dòng trầm tích dọc bờ bởi kè mỏ hàn…

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn cho rằng phải để phát triển bền vững thì cần sự liên kết giữa nhà khoa học là người đề xuất các giải pháp, công nghệ phục hồi, tái tạo nguồn lợi và sự tham gia bảo vệ hệ sinh thái biển của doanh nghiệp và cộng đồng. Hưởng ứng Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã ký cam kết tự nguyện “Phát triển và nhân rộng các khu vực được quản lý bởi cộng đồng/doanh nghiệp địa phương nhằm phục hồi và sử dụng hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ”.

“Điểm nổi bật của diễn đàn lần này chính là sự kiện Liên Hiệp Quốc thông qua “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia. Để phát triển bền vững thì phải tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực. Đặc biệt, ở diễn đàn này thì ngoài nhà khoa học còn có nhà quản lý, doanh nghiệp, ngư dân. Họ sẽ là người đề xuất, trao đổi thực tế, đưa ra các giải pháp, ý tưởng, gắn kết khoa học với phát triển kinh tế bền vững” – TS Tuấn nêu.

Phát triển phải bền vững

GS-TS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng biển Đông không chỉ có đa dạng sinh học cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn gắn với giao thông thương mại chiến lược của quốc tế. Biển Đông đang đối mặt với thách thức lớn liên quan đến nhiều quốc gia về ô nhiễm môi trường biển, khai thác nguồn lợi thủy sản thiếu bền vững. Điều đó, đòi hỏi các nước cùng quan tâm, nỗ lực quản lý phát triển bền vững biển – đại dương.

Kỳ Nam

Theo: Zing