Cơn bão số 12 đi qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại nặng, kéo theo hàng ngàn lao động phải nghỉ chờ việc. Với tình hình đó, các ngành chức năng đã và đang vận dụng nhiều chính sách để hỗ trợ DN và người lao động cùng vượt khó.
Doanh nghiệp vẫn trả lương cho công nhân
Đã 1 tháng sau bão, chị Lê Thị Cẩm Nhung (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), công nhân Xí nghiệp May Khatoco Ninh Ích vẫn phải nghỉ chờ việc. Căn nhà cấp 4 của vợ chồng chị mới xây dựng hơn 1 năm bị bão làm sập hoàn toàn. Hiện nay, hai vợ chồng và đứa con 4 tuổi phải sống trong căn lều bạt dựng tạm. Chị Nhung chia sẻ: “Thu nhập chính của gia đình từ tiền lương hàng tháng. Nghe công ty thông báo công nhân còn phải nghỉ đến gần Tết khiến chúng tôi khá lo lắng vì không có tiền lo cho cuộc sống hàng ngày”.
Chị Trần Thị Thảo (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), công nhân Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt cũng phải nghỉ chờ việc ít nhất 6 tháng do nhà xưởng công ty bị hư hỏng hơn 70%. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị đi phụ bán ở một quán cơm, đợi đến khi công ty khôi phục xong sẽ quay trở lại làm việc.
Ông Trần Xuân Cải – Phó Giám đốc Xí nghiệp May Khatoco Ninh Ích cho biết, hiện nay, xí nghiệp có hơn 800 lao động phải nghỉ chờ việc. Gần 1 tháng nữa xí nghiệp mới khắc phục xong. Tuy khó khăn, nhưng xí nghiệp vẫn trả lương cho công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng là hơn 2,9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, với những gia đình công nhân bị sập nhà, nhà bị hư hỏng nặng, xí nghiệp, công đoàn và Tổng Công ty Khánh Việt cũng đã hỗ trợ với mức hơn 5 triệu đồng/người.
Trong khi đó, ông Lê Đình Nhật Tân – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt cho biết, phải qua Tết Nguyên đán công ty mới có thể sản xuất trở lại. Do vậy, hiện nay, đơn vị buộc phải cho 600 lao động tại chỗ và 1.000 hộ gia đình tạm thời nghỉ việc. Công ty trích quỹ dự phòng để trả lương cho công nhân bằng mức lương tối thiểu vùng. Tuy khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng khắc phục và hỗ trợ phần nào cho người lao động để mong sao họ sẽ tiếp tục chia sẻ, đồng hành với công ty.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động
Ông Dương Văn Hào – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, đơn vị đang vận dụng các chính sách để hỗ trợ tối đa cho DN sớm phục hồi sản xuất. Theo đó, đơn vị hướng dẫn các DN bị thiệt hại nặng áp dụng quy định tạm dừng đóng 22% quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, việc tạm dừng này chỉ được áp dụng không quá 12 tháng.
Còn ông Lê Xuân Hải – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian qua, Công đoàn tỉnh đã trích hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho người lao động phải nghỉ chờ việc mà có nhà bị sập, bị hư hỏng nặng; hỗ trợ 10 triệu đồng/mỗi DN bị thiệt hại nặng. Công đoàn tỉnh vẫn đang tiếp tục thống kê những trường hợp công nhân bị thiệt hại do bão để có chính sách hỗ trợ xây, sửa mái ấm công đoàn trước Tết. Thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ miễn, giảm đóng 2% kinh phí công đoàn cho những đơn vị, DN bị thiệt hại nặng.
Ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, hiện nay chưa có quy định nào trong việc hỗ trợ tiền lương, mà chỉ có chính sách tạm đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, các cấp, ngành cần hỗ trợ tối đa cho DN về chính sách giảm thuế, khoanh nợ, giảm nợ, cho vay mới vốn ưu đãi từ ngân hàng để DN sớm phục hồi sản xuất. Ông Trần Sơn Hải yêu cầu: “Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh cần kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm dừng đóng luôn 10% quỹ ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung xác nhận và giải quyết nhanh những chính sách tạm dừng đóng các loại quỹ bảo hiểm xã hội và chế độ của người lao động cho DN. Đồng thời, các ngân hàng, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh khẩn trương làm thủ tục để miễn, giảm, hỗ trợ DN nhanh chóng khắc phục thiệt hại”.
VĂN GIANG
Theo thống kê của các ngành chức năng, toàn tỉnh có khoảng 30 DN có nhiều công nhân bị thiệt hại nặng do bão, buộc phải cho một phần công nhân nghỉ chờ việc để khắc phục. Khoảng 5.000 công nhân phải nghỉ chờ việc từ 3 đến 6 tháng.
_______________________________________________
Bà Trịnh Thị Hợp – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Theo quy định của pháp luật, DN phải ngừng sản xuất dẫn đến người lao động nghỉ chờ việc thì vẫn phải trả lương cho công nhân theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, hiện nay, không có quy định nào về việc Nhà nước sử dụng ngân sách hỗ trợ tiền lương cho người lao động khi gặp thiên tai.
Theo: Báo Khánh Hòa