Thời gian qua, Tổ hội nghề nghiệp trồng dừa Vạn Thiện (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã khôi phục và phát triển vườn dừa theo hướng hiệu quả, bền vững.
Khôi phục vườn dừa
Tổ hội nghề nghiệp trồng dừa Vạn Thiện được thành lập năm 2012 gồm 12 thành viên, với hơn 1.000 cây dừa đang thu hoạch, năng suất bình quân gần 100 trái/cây/năm. Cơn bão số 12 năm 2017 làm lượng dừa của tổ đổ, gãy khoảng 2/3. Thời điểm đó, cây giống khá khan hiếm, đẩy giá dừa giống lên cao, khiến các thành viên trong tổ gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại vườn dừa. Trong khi đó, dừa Vạn Thiện đã có thương hiệu nên không thể lấy giống từ các nơi khác. Với tình hình đó, tổ được hỗ trợ vay 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Sau khi có vốn, các thành viên đã tích cực nhân giống để khôi phục vườn dừa và cung cấp ra thị trường. Ông Nguyễn Anh Tư – Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng dừa Vạn Thiện cho biết, đến nay, vườn dừa của các thành viên trong tổ đều đã khôi phục xong, một số cây bắt đầu cho trái. Một số thành viên còn phát quang vườn tạp trồng thêm dừa mới. Tổ còn tiếp nhận thêm một số thành viên mới, nâng tổng số hội viên của tổ lên 20 người, với khoảng 2.000 cây dừa.
Theo các thành viên của tổ, có được kết quả trên là nhờ tổ luôn chú trọng tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn giới thiệu các giải pháp kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong đó tập trung vào kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ông Hồ Sĩ Thạch – thành viên của tổ cho biết: “Vườn dừa của gia đình tôi khoảng 40 cây, mỗi năm cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng dừa giống. Năm 2017, được Hội Nông dân phường hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng, gia đình tôi đã tập trung nhân giống, mở rộng diện tích, đến nay vườn dừa có hơn 50 cây. Ngoài được hỗ trợ vốn, chúng tôi còn hỗ trợ nhau về ngày công lao động, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, ươm cây giống”.
Bảo vệ thương hiệu
Dừa xiêm Vạn Thiện là giống dừa thân lùn nhưng rất sai trái, mỗi cây có thể đậu từ 60 đến 100 trái. Dừa xiêm khá dễ trồng, cho trái quanh năm và có thể thích nghi với nhiều loại đất. Sau khi trồng khoảng 2 năm, cây bắt đầu cho trái. Dừa có trái vừa, vỏ mỏng, nước ngọt thanh nên được nhiều người ưa thích. Trước đây, người dân trồng dừa chủ yếu để che bóng mát, làm cảnh và lấy quả dùng trong gia đình. Bây giờ, người dân phường Ninh Đa nói chung và Tổ hội nghề nghiệp trồng dừa Vạn Thiện nói riêng xem cây dừa là cây trồng chủ lực, cho thu nhập ổn định. Mỗi năm, các thành viên trong tổ bán dừa giống cho thu nhập từ 80 đến 300 triệu đồng/hộ.
Hiện nay, dừa Vạn Thiện đã khẳng định được thương hiệu nên đầu ra rất ổn định. Các thương lái thường đến tận vườn thu mua với giá khoảng 9.000 – 10.000 đồng/trái. Ngoài bán dừa cho thương lái, các thành viên còn sản xuất dừa giống để cung cấp cho thị trường và mở rộng diện tích của gia đình. Có được kết quả đó là do thời gian qua, các thành viên của tổ đã chung tay xây dựng và bảo vệ thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa nói chung và dừa Vạn Thiện nói riêng. Ông Nguyễn Anh Tư cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho các thành viên hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của mình khi bảo vệ thương hiệu dừa Vạn Thiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên về quy trình, cách thức, quy định sử dụng nhãn hiệu để tránh gây thất thoát và ảnh hưởng đến thương hiệu”.
Bên cạnh sản xuất kinh doanh, thành viên trong tổ còn tham gia nhiệt tình các hoạt động do phường, hội nông dân phát động như: Bảo vệ môi trường, hiến đất làm đường giao thông, các công trình công cộng và đóng góp ngày công lao động. Ông Nguyễn Hữu Truyền – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Đa cho biết: “Qua thời gian hoạt động, Tổ hội nghề nghiệp sản xuất dừa Vạn Thiện đã phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ mở rộng diện tích, các thành viên trong tổ còn tích cực giữ vững thương hiệu dừa của địa phương”.
KHÁNH HÀ
Theo: Báo Khánh Hòa