Trong khuôn khổ dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (WEIDAP) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Khánh Hòa có tiểu dự án cải tạo nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu. Mục tiêu của tiểu dự án là hướng đến việc chủ động tưới cho hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là vùng xoài Cam Lâm.

Thường xuyên thiếu nước

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các năm 2014 – 2015, do ảnh hưởng của ElNino, tại Khánh Hòa thường xuyên xảy ra các đợt nắng hạn kéo dài. 25.000ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng, trong đó có 13.000ha phải bỏ vụ, 12.000ha cây trồng còn lại bị thiệt hại cả về năng suất, chất lượng. Nắng hạn cũng khiến cho 28.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Sang nửa đầu năm 2016, tình hình khô hạn diễn ra gay gắt hơn; gần 27.000ha cây trồng bị thiếu nước, hàng chục nghìn héc-ta phải bỏ vụ, gần 100.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa) cho biết, hồ chứa nước Cam Ranh có sức chứa 22,1 triệu m3, sau hồ chứa này có kênh chính Nam dài 18,3km, chạy từ hồ chứa về đến khu vực Cam Nghĩa, phục vụ nước cho gần 1.500ha đất sản xuất lúa và hơn 500ha hoa màu tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Bên cạnh đó, hồ chứa còn cấp nước cho Nhà máy Đường Khánh Hòa 312.000m3/năm và Nhà máy nước sinh hoạt Cam Lâm 1,5 triệu m3/năm. Ngoài ra, một số hộ trồng xoài ở khu vực 2 bên kênh chính này sử dụng bơm tưới cho khoảng 300ha xoài.

Theo ông Đinh Văn Giang – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Quản lý công trình, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, do được xây dựng từ năm 1999, đến nay, hệ thống kênh chính Nam hồ Cam Ranh đã xuống cấp, nhiều vị trí bị sụp, gãy, gây thất thoát nước. Trong khi Cam Ranh, Cam Lâm là khu vực trọng điểm về cây ăn quả, đặc biệt là cây xoài, nhưng diện tích xoài được hưởng lợi từ hệ thống kênh này chưa nhiều. Còn hồ chứa Suối Dầu với sức chứa hơn 32 triệu m3, sau hồ này có 2 hệ thống kênh gồm kênh chính Nam và kênh chính Bắc, phục vụ tưới cho gần 2.000ha lúa/năm của Diên Khánh và Cam Lâm, cấp nước cho Khu công nghiệp Suối Dầu (3 triệu m3/năm) và Nhà máy nước Suối Dầu (1,35 triệu m3/năm).

Như vậy, có thể thấy, 2 hồ chứa nước Cam Ranh và Suối Dầu mới chủ yếu phục vụ cho các diện tích trồng lúa, một ít lượng nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết diện tích của các loại cây trồng được đưa vào diện chủ lực, có giá trị kinh tế cao như: xoài, táo… luôn phải đối diện với tình trạng khô hạn lại chưa được hưởng lợi từ các công trình này.

Hồ chứa nước Suối Dầu

Hồ chứa nước Suối Dầu

Lời giải cho bài toán thiếu nước

Hiện nay, tiểu dự án cải tạo nâng cấp kênh chính Nam hồ chứa Cam Ranh và kênh chính hồ chứa Suối Dầu đang được tỉnh hoàn tất quá trình chuẩn bị, là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước và định hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhưng cần ít nước hơn.

Người dân huyện Cam Lâm luôn vất vả trong việc tìm nguồn nước tưới xoài

Người dân huyện Cam Lâm luôn vất vả trong việc tìm nguồn nước tưới xoài

Về dự án này, trong cuộc họp mới đây, ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã hoàn tất việc chuẩn bị vốn đối ứng; đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính về cơ chế tài chính và khả năng trả nợ. Theo kế hoạch, toàn bộ thủ tục pháp lý sẽ được các bên liên quan hoàn thiện trong thời gian tới, hoạt động đàm phán vay vốn dự kiến được tiến hành vào tháng 11-2017, làm cơ sở cho việc triển khai dự án vào năm 2018.

Dự án này sử dụng vốn vay từ nguồn ADF của ADB, gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 là hỗ trợ về thể chế, chính sách và nâng cao năng lực quản lý nước cho các đơn vị quản lý thủy nông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhận. UBND tỉnh là chủ quản của 2 hợp phần còn lại là nâng cao hiệu quả và bền vững trong cung cấp nước thông qua đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi và triển khai áp dụng tưới tiết kiệm nội đồng.

Cụ thể, một nửa trong số 31,43km của 3 tuyến kênh chính của 2 hồ chứa nước Cam Ranh và Suối Dầu sẽ được sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo không để nước rò rỉ, thất thoát. Song hành với đó, các hệ thống bơm (dự kiến 5 trạm) và khoảng 39km đường ống mạch vòng khép kín và các điểm chia nước sẽ được lắp đặt nhằm vươn tỏa đến nhiều khu vực hơn, đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 4.000ha xoài thuộc 9 xã vùng xoài trọng điểm ở Cam Lâm. Đồng thời, đảm bảo cấp nước sinh hoạt, công nghiệp với lưu lượng 66.800m3/ngày đêm và tưới cho gần 2.000ha lúa, hoa màu.

Để đạt được mục tiêu này, theo cơ quan chuyên môn, cùng với giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tưới, áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm nước, tập trung tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao… trong thời gian tới, diện tích trồng lúa và các loại hoa màu kém hiệu quả cũng sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị.

H.Đ

Theo: Báo Khánh Hòa