Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Giá tăng theo giờ, cảnh báo mất bạc tỷ trong cơn “quay cuồng” sốt đất

Giá đất ở nơi được kỳ vọng trở thành đặc khu được giới đầu cơ hay “cò đất” đẩy cao, có chỗ tăng theo giờ.

Bộ Xây dựng, chính quyền tỉnh cùng vào cuộc

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ vừa có công văn gửi tới 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang liên quan tới việc kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, báo chí có phản ánh việc xuất hiện tình trạng sốt đất, thổi giá… tại khu vực Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), thậm chí có hiện tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Do vậy, để quản lý, tránh những diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh này tổ chức triển khai thực hiện nhiều việc để nắm bắt, kiểm soát tình hình.

Theo đó, các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Đồng thời tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.

Trước đó, lãnh đạo các tỉnh nơi được kỳ vọng thành đặc khu cũng liên tục đã có những cảnh báo trước tình trạng “sốt nóng” giá đất. Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh này đã có văn bản gửi UBND huyện Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý khu kinh tế… và cả Công an tỉnh thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin của địa phương về tình hình an ninh trật tự, thu thập xác minh thông tin về việc tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng đất trái quy định trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh từng cảnh báo: “Hiện nay Vân Đồn đang có hiện tượng sốt đất ảo và xuất hiện hiện tượng mua bán ngầm. Vì vậy, các cấp chính quyền Vân Đồn phải thực hiện nghiêm túc quản lý đất đai, nhất là đất rừng chuyển giao, đất hộ gia đình”.

Cùng với đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định tỉnh vẫn đang lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, do vậy, việc mua bán đất có khả năng lạc hậu, không phù hợp.

Cùng với Quảng Ninh, UBND 2 tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang chỉ đạo kiên quyết xử lý nạn làm giá, trục lợi đất đai tại 2 huyện dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế là Vạn Ninh và Phú Quốc.

Theo cảnh báo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam trong báo cáo quý I/2018, quy hoạch đặc khu kinh tế vẫn chưa được phê duyệt chính thức, các bản quy hoạch trên thị trường hiện tại vẫn chưa đáng tin cậy. Do đó, các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu thông tin từ các bên chính thống và chính quyền địa phương.

Cần làm gì để kiểm soát tăng ảo?

Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thu Hằng – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills nhận định việc sẽ hình thành các đặc khu kinh tế rất thu hút các nhà đầu tư lớn, nhỏ vì những triển vọng trong thời gian tới.

“Giống như Đà Nẵng trước đây, các đặc khu như Phú Quốc (Kiên Giang); Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ hút các nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM và một số nơi khác “rót” tiền vào đầu tư”, bà Hằng nói.

“Sốt” đất ở Vạn Ninh

Tuy nhiên theo bà Hằng, việc đầu tư lướt sóng như vậy sẽ có độ rủi ro rất lớn, vì vậy các nhà đầu tư phải cẩn trọng và luôn phải tính lộ trình dài hạn. Tiềm năng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều vì nhu cầu đầu tư hạ tầng, đầu tư nhu cầu về nhà ở đang rất lớn…

Đưa ra lời khuyến cáo đối với các nhà đầu tư có ý định đầu tư đất đặc khu thời điểm này, bà Hằng nói: Thị trường đã có thời kỳ đổ vỡ vì bong bóng, sau đó mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Cũng đã có khá nhiều bài học của các nhà đầu tư rồi. Do vậy các nhà đầu tư cần luôn tỉnh táo, thận trọng, tránh đầu tư theo kiểu phong trào.

“Chúng ta phải xem xét kỹ ngưỡng giá đó có phù hợp không, liệu có vượt giá trị thực quá nhiều chưa”, bà Hằng nói. Theo vị chuyên gia bất động sản này, bao giờ khi mua đất nhà đầu tư cũng kỳ vọng giá miếng đất đó sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu trước đó miếng đất bị thổi giá vì chiêu trò của một nhóm nào đó và hoàn toàn không phản ánh giá trị thực của miếng đất thì rất có thể nhà đầu tư sẽ phải nhận “kết cục buồn”.

Đối với cơ quan quản lý, bà Hằng cho rằng, muốn kiểm soát tình trạng sốt đất cần thiết kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và đô thị, định hướng, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ tăng giá bất động sản.

“Cũng có nhiều biện pháp mà thời gian qua chúng ta cũng đã làm như là hạn chế cho vay tín dụng vào bất động sản”, bà Hằng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, thời gian qua các nhà đầu tư đến khảo sát và giao dịch khá mạnh tại 3 địa điểm dự kiến trở thành đặc khu (Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang).

Bên cạnh những nhà đầu tư chân chính, ông Hà cho biết cũng xuất hiện rất nhiều nhà đầu cơ kiếu lướt sóng, mua xong “thổi giá”, chờ tăng giá kiếm lời.

Ông Hà cho rằng để tránh bong bóng, sốt ảo, cần kiểm soát được hiện tượng đầu cơ chộp giật, kích giá hay đưa ra các thông tin không chính xác để kiếm lời. Việc này nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm lũng đoạn thị trường, nhà đầu tư không chuyên, không nắm được thông tin dễ ngậm “trái đắng”.

“Nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết, đi gom đất và sử dụng các môi giới không chuyên đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thị trường bất động sản khu vực”, ông Hà nói.

Nguyễn Khánh

Theo: Dân Trí