Trao đổi về vấn đề sốt đất: Ông Lâm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, khoảng hơn 1 tháng qua, tình trạng mua bán đất tại Vạn Ninh rộ lên với giá ngày một cao, có nơi gấp 2 – 5 lần so với trước kia. Đi đâu cũng nghe người dân bàn chuyện mua bán đất, chuyện người này gom đất, người kia đổi thửa…
“Khó… nhưng có cửa hết”
Trong vai người mua đất, chúng tôi liên lạc với một “cò đất” tên H.A để hỏi về cơ hội đầu tư ở đây. Anh này cho biết, ở Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh đang “hot” vì du khách đến đây ngày một đông. H.A đon đả giới thiệu một khu đất rộng 11,7ha đang là đất rừng, sát biển với giá khoảng 22 tỷ đồng để làm dự án du lịch và hứa sẽ hỗ trợ chuyển đổi đất dự án. “Nếu cần đất rộng nữa có thể ghép thêm mảnh khác rộng khoảng 8,6ha với giá 17 tỷ đồng ở gần đó”, H.A nói.
Chúng tôi thắc mắc vì đang trong thời kỳ quy hoạch Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong sao chuyển đổi đất được, H.A giải thích: “Bên em hỗ trợ mặt quan hệ và bên anh trả chi phí quan hệ đó cho em. Đặc khu chỉ cho doanh nghiệp vào làm dự án. Khó đúng là khó nhưng đều có cửa hết. Quan trọng là có chịu chi hay không thôi. Điệp Sơn nằm trong quy hoạch đặc khu, tương lai sẽ là điểm du lịch. Bây giờ, giá còn rẻ, nếu mua bây giờ tương lai sẽ thu lợi nhuận cao”.
Không chỉ đất rừng, ngay trong thôn Điệp Sơn, ông Nguyễn Ngọc Mẫn – Trưởng thôn cho biết, thôn này gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, xưa nay chẳng ai nói đến chuyện mua bán đất đai. Nhưng gần đây, có nhiều người dân trong thôn bán đất cho người ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với giá rất cao, khoảng 1.000 – 2.000m2 với giá 1 – 2 tỷ đồng. Những người này mua đất xong rồi để đấy không thấy xây dựng hay làm gì.
Tiếp tục liên lạc một “cò” khác tên T., anh này dẫn chúng tôi đến khu vực Tuần Lễ, xã Vạn Thọ và cho biết tương lai đây sẽ là tuyến đường du lịch trọng điểm vì 2 mặt giáp biển. Vùng đất này chủ yếu là đồi cát và rừng phi lao. Để tạo niềm tin, người này còn đưa ra hình vẽ, bản đồ quy hoạch mà họ chụp lại ở máy tính cơ quan chức năng. “Cò” T. giới thiệu mảnh đất rộng 2.800m2 ở xã Vạn Thọ với giá 4,5 tỷ đồng, trong đó đất thổ cư 200m2.
Chúng tôi chê mắc, diện tích nhỏ không làm du lịch được, “cò” T. giới thiệu 2 lô khác ở Điệp Sơn với giá 10,8 tỷ đồng cho 3.512m2 đất, trong đó 400m2 thổ cư và một lô khác rộng 2.800m2 là đất trồng cây với giá 4,3 tỷ đồng. “Anh mua đón đầu làm du lịch là đúng bài. Sắp lên đặc khu rồi sẽ không còn giá mềm như vậy nữa đâu”, T. hối thúc.
Tiềm ẩn rủi ro
Bà K.N – người dân tại thôn Tuần Lễ cho biết, bà mới được một người giới thiệu bán cho một khách ở TP. Hồ Chí Minh hơn 37.000m2 đất nông nghiệp với giá khoảng 5,2 tỷ đồng. “Đất đây là đất cát, khó trồng cây nhưng người ta trả giá cao thì tôi bán thôi”, bà N. nói. Thấy bà N. bán được giá, 3 hộ khác ở thôn Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) cũng gửi cho “cò đất” bán với diện tích 753m2, 1.286m2 và 10.305m2 chủ yếu là đất rừng, trong giấy tờ còn ghi rõ “nằm trong vùng quy hoạch phải thu hồi đất”. Ông K. – chủ đất cho biết: “Hôm qua báo với tôi khách mua với giá 140.000 đồng/m2 nhưng hôm nay báo lại khách đồng ý mua 200.000 đồng/m2, tăng 600 triệu đồng/ha chỉ trong 1 đêm”.
Ông Lâm Tuấn Anh cho biết, hiện nay, đất dọc biển ở thị trấn Vạn Giã đang mua bán rất sôi động, do sốt đất, giá cả thực tế rất cao nhưng khi đưa ra giao dịch chuyển nhượng đất thì giá thấp. Các xã: Vạn Thọ, Vạn Thạnh… cũng có rất nhiều người địa chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cả TP. Nha Trang ra mua. “Như ở Khu tái định cư Vĩnh Yên, mấy năm trước 100m2 bán hơn 100 triệu đồng không ai mua. Bây giờ bán 600 – 700 triệu đồng. Giá tăng cao quá chừng! Sắp tới, Quốc hội thông qua thành lập đặc khu nữa thì giá cả không biết sẽ cỡ nào. Văn phòng chúng tôi bây giờ cũng căng thẳng để giải quyết các thủ tục”, ông Anh chặc lưỡi.
Theo ông Anh, việc mua bán đất đai ở đây tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì quy hoạch sử dụng đất của huyện Vạn Ninh hiện tại sẽ phải bỏ để thay thế bằng quy hoạch Đặc khu Bắc Vân Phong mà UBND tỉnh đang thuê tư vấn nước ngoài để hoàn thiện. Hơn thế nữa, giá đền bù và hỗ trợ đất lâm nghiệp rất thấp, khoảng 14.000 – 20.000 đồng/m2. Người mua với giá gấp 10 lần theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” thì chỉ có “cò đất” là hưởng lợi. Thêm nữa, người dân bán hết đất, tiêu hết tiền thì sẽ không còn đất để sản xuất.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết, việc mua bán là giao dịch dân sự, giữa các cá nhân với nhau nên phòng không thể nắm được cụ thể.
Sẽ xử lý nghiêm
Trước đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, UBND huyện Vạn Ninh chấn chỉnh tình trạng thu gom đất ở huyện Vạn Ninh. UBND tỉnh cũng chỉ đích danh một số người gom đất đề nghị chính quyền huyện xử lý. Đồng thời, thông báo việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong Khu kinh tế Vân Phong (nằm ngoài khu dân cư). |
Khi phóng viên đề cập đến việc “chạy dự án” mà các “cò” quảng cáo, ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho rằng: Đây là những thông tin “lừa khách hàng” để được việc bán đất của các “cò” trong vụ sốt đất. Huyện không có thẩm quyền cấp dự án, UBND tỉnh cũng rất nghiêm chuyện này. Đây là những thông tin gây hoang mang dư luận. Nếu giá 1 mà thổi lên 2 – 3, gây sốt đất ảo sẽ làm chán nản nhà đầu tư. Huyện sẽ xử lý nghiêm các đối tượng này nếu phát hiện.
Theo ông Phẩm, hầu hết các diện tích mua bán gần đây trong cơn sốt đất này đa số là đất rừng. Huyện đã có chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng không được chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất lâm nghiệp (nằm ngoài khu dân cư). Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng cơ quan chức năng, chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh nếu để tình trạng phát rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà không phát hiện, chậm phát hiện, không chỉ đạo kịp thời sẽ xử lý trách nhiệm theo quy định. “Nếu đất đai có sổ đỏ rồi thì việc san nhượng là quyền người dân. Huyện cũng khó can thiệp, chỉ có thể tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được đúng bản chất, không để cò đất lợi dụng hưởng lợi, tạo môi trường xấu”, ông Phẩm cho biết.
Được biết, huyện Vạn Ninh đang tiến hành làm rõ các trường hợp mua đất từ người ngoài địa phương, trong đó đề phòng tình trạng người nước ngoài “núp bóng” mua đất.
NAM AN
Theo: Báo Khánh Hòa