Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với hàng loạt quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ). Từ đó, việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về nhiều mặt. Các DN chú trọng cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đăng ký sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ. Các chế độ, quyền lợi của NLĐ như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện giờ làm việc nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… đã có nhiều chuyển biến. 
Thực tế, nhiều DN đã thực hiện tốt điều này dù phải tăng chi phí. Tại các DN như: Công ty Yến sào Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, việc thực hiện ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe cho NLĐ được xem như là hướng phát triển bền vững của DN. Tuy nhiên, tại các DN vừa và nhỏ, tư nhân, vốn đầu nước ngoài, DN chuyên về xây dựng còn rất xem nhẹ công tác ATVSLĐ. 
Theo kết quả thanh tra từ đầu năm 2018 đến nay của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại 30 DN cho thấy, còn nhiều quy định về ATVSLĐ chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; ít quan tâm đầu tư, chăm lo bảo vệ sức khỏe, môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Điển hình như: Công ty TNHH Thực phẩm Hải Sơn, Công ty TNHH Desiper Việt Nam… chưa xây dựng và thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; chưa bố trí người và huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân. Đặc biệt, các DN này chưa xây dựng các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp… Chính vì thế, NLĐ ở những DN này luôn chịu nhiều thiệt thòi, làm việc trong điều kiện thiếu an toàn và có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp. Cũng theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 200 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết. Phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra ở các DN nhỏ, tập trung ở lĩnh vực xây dựng. 
Mặc dù đã có quy định về xử phạt nếu không thực hiện nghiêm các quy định ATVSLĐ, nhưng đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa xử phạt nghiêm khắc những DN vi phạm mà mới chỉ dừng lại ở yêu cầu, nhắc nhở nên thiếu tính răn đe. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ và các chủ DN về ATVSLĐ. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra về nội dung này và cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị cố tình chưa thực hiện. Cùng với đó, các cấp công đoàn cần tăng cường giám sát và kiến nghị DN thực hiện các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ; đề xuất các ngành chức năng có hướng xử lý nghiêm…

Theo: Báo Khánh Hòa